Hạnh phúc của một người nhạy cảm

🔅 là nhìn đâu cũng thấy cái đẹp

🌱đi xe trên đường thấy một chiếc lá thu chao, lòng cũng thả trôi bồng bềnh trong cảm xúc dịu dàng

🌱hay thấy nắng chiều rực rỡ trên những lá rau xanh mơn mởn ngoài ban công, trong tiếng chim thảng hoặc reo cười, lòng thấy yên bình lắm

🔅làm một người nhạy cảm cũng thiệt là dễ khóc

🌱xem phim hay xem video đến những cảnh cảm động; thương ai hay được ai thương, cảm nhận được những điều đó, tự dưng nước mắt cứ hong nghe lời =))))

cơ quan rung động trong người cứ ngân nga hoài à =))))

🌱nhiều người có lẽ thấy cảm xúc là phiền hà, ủa sao phải khóc cười thế, ta lại thấy cảm xúc thực sự là một món quà, vì thông qua cảm xúc, ta thấy mình được sống.

🌱làm một người nhạy cảm cũng là một món quà, thực tâm nghĩ thế, và nếu được chọn lại thì ta vẫn muốn làm một người nhạy-cảm-yêu-đời như giờ, hehe.

Advertisement

Ta thường mong chờ cảm giác tự do.

Không cần nghĩ suy, chẳng cần tính toán, để cuộc đời làm tròn nhiệm vụ truyền cảm hứng cho mình.

Như là chạy xe máy trong khung thời gian canh tư, bầu trời còn đen kịt trên một cây cầu ít bóng xe đi, gió lạnh chạm vào áo khoác kêu phần phật, ở phía xa là một cây cầu khác được vẽ bằng ánh sáng của những đốm đèn đường. Trong không gian đó, bật một danh sách nhạc kiểu “shut up, let’s dance” vẫn hay nghe, thấy cơn buồn ngủ dường như tan đi, thứ còn lại là một cảm giác tự do sảng khoái.

Đôi khi, chính ta cần làm nhiệm vụ truyền cảm hứng về sự tự do cho chính mình. Bằng những việc đã được lên kế hoạch.

Như là chọn tiếp tục chạy hay là dừng lại. Khi đó, chợt nhận ra, ta có toàn quyền tự do lựa chọn những gì ta làm.

Để rồi khi chọn con đường khó khăn hơn, khi đến đích, trong lòng dâng lên một cảm giác hạnh phúc khó nói thành lời, một chút sự tự hào về bản thân vì đã không lựa chọn dừng lại ngơi nghỉ.

Đồng thời, khi vượt qua được cảm giác muốn từ bỏ, đầu ta bỗng như trống rỗng, như là suy nghĩ tự dưng tan đi đâu hết, chỉ còn khoảng không. Và âm nhạc. Và cơn đau cơ vì đôi chân đang mỏi.

Nhận ra và buông đi. Chỉ còn chạy. Chỉ còn chạy. Chạy, khi đó, thật là tự do.

Bao nhiêu lần trong đời, ta chạm được vào cảm giác ấy nhỉ?

VIẾT.

Khi có những chuyện không muốn tỏ bày cùng ai, ta chọn viết để đối diện thực tại. Hoặc quên đi thực tại.

Một thứ viết để trải hết mọi điều mà không cần đeo mặt nạ, bởi trang giấy và cây bút dường như khi nào cũng biết cách lắng nghe sâu.

Một thứ viết để cảm thấy tâm trí trống rỗng, chỉ còn tập trung tạo đường nét từng con chữ.

Không phải ta không có ai để tâm sự cùng, chỉ là vì sợ tổn thương, sợ chia lìa, sợ hụt hẫng – mà ta chọn lựa không quá thân mật với bạn bè, hay chỉ gặp/nói chuyện thật ít lần trong năm, một motip ta đã lặp đi lặp lại đủ nhiều để trở thành thói quen.

Để nhận ra tại sao ta lại như thế này, tại sao lại hành xử kiểu này, suy nghĩ kiểu kia là một hành trình gian nan. Đi sâu khám phá bản thân cần thật nhiều can đảm. Thôi thì, cho chính mình thời gian.

Như mầm non muốn cho trái và hoa thì cũng cần trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông sang.

🌱

Nổi loạn và tự do

Đôi khi, tình yêu thương lớn nhất ai đó có thể dành trao cho ta chính là cho ta được toàn quyền lựa chọn cách sống của mình.

Người không đòi hỏi bất cứ điều gì từ ta lại là người ta có thể làm tất cả cho người đó. Người luôn mong mình sống hạnh phúc mà không cần phải đáp đền điều gì, lại là người ta có thể hy sinh mọi thứ cho họ.

Ở người đó, ta cảm nhận được tình yêu vô điều kiện. Một cái cảng tránh bão ta luôn có thể quay về dẫu có bất cứ điều gì xảy ra. Một nơi thực sự an toàn để trở về. Cũng nhờ có một “cơ sở an toàn” này, ta có thể sẵn sàng khám phá thế giới, lặn ngụp trong tốt – xấu, đúng – sai, bị tổn thương hay đau khổ, nhưng rồi ta sẽ hồi phục nhanh thôi, vì chỗ dựa tinh thần của ta đủ vững chắc để khiến ta khi nào cũng có thể tin vào sự tốt đẹp của cuộc đời, của con người.

Ta ghét sự ra lệnh. Khi nhận được sự ra lệnh, hay bất cứ điều gì ảnh hưởng đến khả năng tự do lựa chọn của ta, ta có xu hướng chống cự. Khi ta làm theo mệnh lệnh một cách bắt buộc, trong ta dâng đầy thứ không phải niềm vui mà là sự phẫn uất. Mỗi khi có thể, ta chọn chống cự một cách kịch liệt, đến mức “bướng không thể tả”. Đôi khi ta ước mình có những cách chia sẻ dịu dàng hơn để nói chuyện với nhau mà không phải là ra lệnh, là kỳ vọng, là bắt ép ta sống một cuộc đời nào khác.

Những cá nhân “nổi loạn” khi loáng thoáng nhận ra nhu cầu được tự chọn cách mình sống và không muốn chịu thêm sự áp đặt nào khác. Đứa trẻ ấy có thể khiến người buồn một thời gian ngắn, nhưng yên tâm về sau này, bởi khi đứa trẻ đã biết lắng nghe tiếng nói bên trong, biết đâu là điều khiến chúng mỉm cười, thì rồi chúng sẽ biết khiến tạo một cuộc đời hạnh phúc cho chính mình.

Chia sẻ đi người ơi, vòng tròn lắng nghe nèeee

Mình đến từ giấy, bút

Từ máy tính và mực viết

Từ khu tập thể Thành Công chiều thu

Bình yên, ấm áp và dễ chịu

Mình đến từ Đak Lak

Đến từ cà phê và chè xanh

Mình đến từ gia đình luôn là chỗ dựa an lành

Yêu thương và vui vẻ

Từ sống phải làm sao để đêm nào về cũng ngủ được thanh thản

Từ thế giới này thật nhiều người tốt và đáng yêu

Mình đến từ chấp nhận, thấu hiểu và thương yêu

Và đến từ những nâng đỡ, lắng nghe khi mình đang trong bế tắc…

[Bài thơ này có motip chung theo mình nhớ là thế này, mình không chụp lại cái slide nhưng đại ý thế này nha:

Mình đến từ (sở thích của bạn)

Từ (công việc)

Từ (nơi bạn đang sống)

Từ (cảm giác về không gian bạn đang sống vào lúc này)

Mình đến từ (quê của bạn)

Đến từ (đặc trưng quê hương)

Mình đến từ (truyền thống gia đình)

Từ (điều bạn học được từ gia đình)

Mình đến từ (những giá trị sống của bạn)

Và đến từ (những điều bạn biết ơn từ người khác)]

Giới thiệu về bạn đi, chúng mình lắng nghe nè? :3

Đây là bài giới thiệu bản thân của mình với những người bạn mới trong Vòng tròn “Ươm mầm kết nối giữa lòng mâu thuẫn”, một hoạt động nhỏ trong chuỗi chương trình do Chung sống tổ chức vào cuối tuần vừa qua. [Link trang của Chung sống đây nè nha: https://www.facebook.com/chungsongvn ]

Nghe thật là lạ lẫm phải không? Xưa giờ ấy, mỗi khi tự giới thiệu bản thân, mình chỉ hay nói đến tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp. Thế là hết. Một lớp vỏ an toàn. Xã giao. Mình hài lòng với điều ấy. Kể thêm về sở thích sở ghét, về môi trường đang sống, về những điều mình tin tưởng, những điều mình biết để làm gì nhỉ? Chúng không cần thiết lắm. Phiên phiến thế thôi. Ai sẽ nghe và để ý chứ.

Thế là có những người biết nhau vài chục năm rồi vẫn chỉ biết mỗi tên và tuổi mỗi năm cộng thêm 1. Quen như thế thì làm người lạ sẽ vui hơn nhỉ. Kể cả người nhà, người thân, bạn có chắc bạn hiểu được bố mẹ bạn, anh chị em của bạn đang nghĩ gì, có quan điểm sống gì, giá trị nào là quan trọng? Mình không dám chắc điều này đâu này =)).

Chưa bao giờ chia sẻ bản thân theo cách này, nên mình cảm thấy vừa hào hứng vừa sợ hãi khi chia sẻ chúng. Kể cả khi tham gia khóa học online qua Zoom, mình vẫn cảm thấy sợ. Những trải nghiệm đã qua khiến mình mang trong đầu ý nghĩ rằng “sẽ không được lắng nghe thực sự đâu” lại bùng lên. Nghĩ đến thôi đã cảm thấy tổn thương.

Khi đang chia sẻ tâm tư mà người nào đó lại phán xét, lại cho lời khuyên, lại “anh/em mà là chị thì anh/em sẽ…” khiến cho việc muốn nói thêm bị ngắt lại. Mình không cần được khuyên dạy, mình chỉ cần được lắng nghe đồng cảm thôi. Khó thế sao. Theo kinh nghiệm của mình thì khó vleu. =))).

Nhưng tham gia vòng tròn, từ một đứa hoài nghi rằng liệu mình có được lắng nghe, một đứa “tàu ngầm”, đã trở nên dạn dĩ hơn khi chia sẻ con người thật sự của mình. Những câu chuyện không còn là hời hợt bên ngoài, mà là chia sẻ “khoảng tối” của mình, những gì mình tin, những gì mình sợ, những gì đang vướng mắc… và được người khác lắng nghe.

Cảm giác phê vỡi. Trải nghiệm đó, với mình, như đếm trên đầu ngón tay ấy. Bạn nghĩ xem, trải nghiệm một/nhiều người hoàn toàn chú tâm, hiện diện, lắng nghe đồng cảm điều bạn nói mà không phán xét, bạn trải nghiệm được điều này bao lần rùi nào? Nếu nhiều lần, đa số, thì thực sự cuộc sống của bạn rất rất rất là tuyệt vời, đầy hiểu và thương đó.

Chắc hẳn nhiều bạn chưa biết Vòng tròn mình đang nhắc tới là gì ha, mình cũng mới biết và trải nghiệm hôm thứ Bảy thôi =)), dưới đây là một vài khái niệm nè:

Phương pháp vòng tròn là gì?

Theo định nghĩa mình đọc được trên giaotieptracan.com thì “Vòng tròn là một phương pháp tương tác dựa trên một số cam kết chung của người tham gia. Vì vậy, đậy là không gian của sự bình đẳng và tin cậy, nơi chúng ta lắng nghe chính mình tốt hơn; tiếp nhận tư duy và cách giải quyết vấn đề mới từ người khác; và trên hết, chúng ta trải nghiệm sức mạnh của những kết nối chất lượng được tạo ra trong khoảnh khắc.”

https://giaotieptracan.com/2021/06/19/phuong-phap-vong-tron/

Các cam kết của vòng tròn mà mình tham gia hôm đó bao gồm:

  • An toàn:

Giữ một không gian an toàn để ai cũng có thể chia sẻ vấn đề của họ nè.

Khi đó mình hiện diện, đồng cảm, lắng nghe bằng cả trái tim nè

Tôn trọng rằng mỗi người có một cách khác nhau để chăm sóc cuộc sống của họ; mình không phán xét, không khuyên bảo khi họ không đề nghị. Bởi nhiều khi thứ người ta cần hong phải là lời khuyên đâu, mà là sự đồng cảm, là cảm giác được lắng nghe, có đồng minh, là mình hong cô đơn ở trên đời này ấy. Khi một người được lắng nghe đủ, được đồng cảm đủ, tự họ sẽ tìm ra cách để giải quyết vấn đề của mình nè. Bởi câu trả lời chúng mình cần đều đã ở bên trong mình rồi, sự đồng cảm đủ từ người khác, và cả mình đồng cảm cho mình nữa sẽ như những chỉ dẫn để mình tìm đến được với chúng.

  • Bảo mật

Câu chuyện được chia sẻ trong vòng tròn chỉ thuộc về chủ nhân của câu chuyện, và thuộc về vòng tròn. Không nhắc lại, không chia sẻ câu chuyện khi chưa được chủ nhân của họ cho phép. Kể cả khi gặp lại người đó, mình cũng không khơi lại câu chuyện đã được chia sẻ nếu người ấy không chia sẻ trước.

  • Bình đẳng

Trong vòng tròn, mỗi người đều có trách nhiệm và tầm quan trọng như nhau

  • Quyền bày tỏ

Tất cả mọi người đều có quyền được chia sẻ câu chuyện của mình

  • Quyền từ chối

Và mỗi người cũng có quyền được từ chối chia sẻ nếu bản thân chữa sẵn sàng. Không ai bắt ép bạn làm gì cả, mọi thứ đều đến từ sự tự nguyện, tự nguyện, tự nguyện, tự nguyện.

Ngoài những thành viên tham gia vòng tròn, sẽ có người điều phối và người bảo hộ sẽ giúp các cam kết trên được thực hiện tốt nhất.

Hong có ảnh vòng tròn nên lấy tạm ảnh mấy cái cây được trồng thành hình tròn nha

Check-in cảm xúc

Trước khi chia sẻ các nguyên tắc chung của Vòng tròn, mỗi người sẽ check-in cảm xúc và trạng thái của mình ngay thời điểm đó. Bạn có thể chia sẻ bất cứ thứ cảm xúc, trạng thái, bất cứ điều gì nảy lên trong đầu. Bạn có thể đang ốm? Đang không ổn? Đang lo lắng? Đang sẵn sàng? Bất cứ điều gì, hãy ghi vào ô chat nhé, chắc chắn sẽ có người đọc nó, và đồng cảm với trạng thái của bạn đấy. Đồng thời việc check-in cũng giúp người điều phối hiểu hơn về tình trạng người tham gia để có những hoạt động phù hợp. Như mọi người buồn ngủ thì dành vài phút nghỉ để mời mọi người đi rửa mặt này. Ngồi nhìn màn hình lâu thì thư giãn mắt này.

Ở đây, điều phối viên dùng từ “MỜI” nhé, mời thôi, một lời đề nghị chứ không bắt ép nhé, bạn có thể đồng ý, hoặc từ chối, đều hong sao cả.

Sau khi check-in xong trong vòng tròn lớn xong (vòng hôm qua mình tham gia là tầm 20 người), chúng mình được chia vào các vòng tròn nhỏ 3 người để đọc bài giới thiệu và lắng nghe các bài giới thiệu còn lại, sau đó nếu còn thời gian thì chia sẻ thêm về nhau. Qua bài giới thiệu trên, thực sự có rất nhiều chất liệu để tìm hiểu một người, để kéo dài câu chuyện nếu bạn muốn một cách thoải mái đấy.

Sau đó chúng mình lại quay trở lại vòng tròn to để tham gia cùng nhóm. Vào thời điểm này, điều phối viên sẽ đưa ra các câu hỏi, gợi mở để mỗi người suy nghĩ/nhớ lại/đúc kết và có thể chia sẻ một cách tự nguyện (nếu muốn).

Như hôm qua, có những câu hỏi như:

Đầu tiên là, giá trị nào mình sẽ thực hành trong hai giờ hôm nay?

Câu trả lời của mình là học cách lắng nghe đồng cảm và sẽ thực hành nghe đúng, hỏi đúng, phản hồi đúng.

Rồi câu hỏi như câu chuyện về một rạn nứt đã chứng kiến hoặc trải qua và cách bạn ứng xử với câu chuyện đấy mang lại cho bạn cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm này?

Rồi sau những chia sẻ đó, trong bạn đang có cảm xúc gì? Rất nhiều bạn, trong đó có cả mình, đã gõ rằng rất thương, đồng cảm, muốn ôm một cái, thấy mình trong câu chuyện của bạn, muốn được vỗ về bạn… Đọc những dòng ấy, mình cảm thấy thật là nhiều tình iu, hihi. Ngày thứ bảy chiều thu tại khu tập thể cũ Thành Công dễ chịu hơn thật nhiều, khi có các bạn hiện diện, hihi.

Ảnh chống trôi về hai con mèo nhà tui :”>

Mình đúc kết được sau hoạt động này là:

1, Có những cộng đồng – bằng những nguyên tắc và tâm thế người tham gia, thực sự là một vòng tròn lành ơi là lành để mình có thể được chia sẻ, học cách lắng nghe đồng cảm và học hỏi từ mọi người – một cách TỰ NGUYỆN. Thế giới này còn nhiều người đáng yêu lắm, đừng ngại mở lòng này.

2, Mình có khả năng làm những điều người ta đề nghị nếu họ thực sự ĐỀ NGHỊ. Nghĩa là “mời mình”, và mình có quyền đồng ý hoặc từ chối, và từ chối thì cũng không khiến mình bị DỖI, bị TRỪNG PHẠT. Vì thế nên cảm thấy thoải mái để chia sẻ này.

3, SỐNG RỒI =)). Ý là, à há, phát hiện ra cộng đồng mình muốn tham gia rồi. Nghĩ sau có khi không đối thoại được với ai này, thì mình vẫn biết có người sẽ lắng nghe mình ở đâu đó trong Vòng tròn này, 1 cái click là tham gia được thôi này, hong cô đơn đâu này. Tự dưng cảm thấy có chỗ dựa quá đi à này. =)))

Còn mấy thứ muốn kể nữa, mà bài dài rồi, để từ từ kể thêm nha. Như là mình cũng học được một chút về phương pháp hòa giải này, được nghe/xem/trải nghiệm việc hòa giải, hay đơn giản là thực tập lắng nghe nhu cầu và cảm xúc của người khác không phán xét này. Nội dung này để bài sau đi nha, hihi. :”>

[Tó tập tành] Khi Tó không đập Thành mà tập thực hành giao tiếp không bạo lực🥴️

Tó và gấu vừa có một cuộc mâu thuẫn.

Câu chuyện ở đây là thế này.

Thời gian gần đây mình follow và tìm hiểu về giao tiếp trắc ẩn, và cuối tuần trước vừa đăng ký tham gia một vài hoạt động trong chuỗi sự kiện Ươm kết nối giữa lòng mâu thuẫn, trong đó có Tọa đàm có TS. Đặng Hoàng Giang tham gia, cũng như tham gia thực hành phương pháp vòng tròn giao tiếp – phương pháp mà mình đang có hứng thú và muốn tìm hiểu sâu thêm.

Mình rất háo hức để tham gia chuỗi hoạt động này, vì cảm thấy kiểu, “ôi, ánh sáng của đời mình đây rồi”, bởi dạo gần đây lòng cứ suy nghĩ mãi về việc giao tiếp bạo lực khiến con người rời xa nhau thế nào, đóng kết nối ra sao. Những vụ chồng c.h.a.t tay vợ vì vợ ngoại tình này, trẻ em chọn cái c.h.e.t vì áp lực này, hay những câu chuyện mâu thuẫn trong gia đình vì mình dùng ngôn ngữ gây hấn, đánh mất đi sự đồng cảm khiến mình muốn kiếm tìm giải pháp để có thể giao tiếp kết nối hơn, và cảm thấy như là đang tìm được đường rồi ý. Rất là hào hứng, rất là thích thú.

Cuối tuần rồi anh gấu đi khảo sát, CN về, mình thực sự muốn chia sẻ câu chuyện này với anh. Cho nên sau khi ổng về, mình đi chạy một lúc, hai người nấu cơm, mình có nói về câu chuyện này.

Mình bẩu ổng, đại loại là:

– Anh ơi, em vừa đăng ký Tọa đàm có nội dung về giao tiếp trắc ẩn, có TS Đặng Hoàng Giang tham gia.

– Tiến sĩ Giang là ai hả em?

– Ah, uh thì, bác ấy là nhà hoạt động xã hội, cũng là tác giả viết sách, anh biết mấy quyển như “Thiện, ác, smartphone” không, sách của bác ấy đấy.

– Anh không biết.

– Nếu là người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, xã hội học thì em nghĩ là sẽ biết anh ạ.

– Em nói thế là không đúng nhé, anh có quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, chỉ là không quan tâm đến phần em nói, anh thích xây trường thôi.

– Em không bảo anh là anh không quan tâm đến lĩnh vực giáo dục…

– Em có nhé, em có nói..

– À vâng, có thể là em đã nói…

– Bác ấy cũng là người khởi xướng đường dây nóng Ngày mai ấy, anh biết không nhỉ, đường dây hỗ trợ những người bị trầm cảm này, gặp khó khăn này, vì với nhiều người khi khó khăn, họ chỉ cần ai đó lắng nghe họ thôi ấy.

– Những người tư vấn có được đào tạo không em. Đợt anh nghe trên radio giao thông, người dẫn nói như đấm vào mòm ấy, nghe chối lắm, nghe chỉ khiến trầm trọng thêm.

– À vâng, các tình nguyện viên đều được đào tạo anh ạ.

– À, thế thì được.


Đến câu chuyện tiếp theo, mình đọc ở trên mạng xã hội, có một người mình follow chia sẻ câu chuyện có một chị bác sĩ không cứu được con mình bị hóc hạt trân châu. Chị ấy đã sơ cứu hóc dị vật nhưng hạt trân châu có độ bám dính, phương pháp này không thành công. Khi đưa con đến bệnh viện thì con không còn sự sống. Mình có kéo xuống đọc còm men, có mấy người còm bảo là nếu chị ý biết thêm về huyệt 19 Diện chẩn thì có thể đã cứu sống được. Bấm giữ huyệt này vài phút, sẽ có tác dụng đẩy dị vật ra ngoài.

Là người có biết và có thực hành (rất là ít =)))) về Diện chẩn, mình có lên xem thêm video của bác sĩ Vũ Văn Hội về huyệt 19 này, là huyệt nằm phía trên cùng rãnh nhân trung, và khá tin vào thông tin mình học/xem được. Mình cũng chia sẻ thêm với anh gấu về câu chuyện này, anh bảo lại, đại loại là:

– Anh không tin là phương pháp này sẽ có hiệu quả, nếu giữ mấy phút thì có khi đã chết người rồi. Trong bài đó có nói đến phương pháp nào khác nữa không em?

– Không anh ạ, họ chỉ chia sẻ câu chuyện thôi. Thì, ý em là, nếu phương pháp hay sử dụng không có tác dụng, mình có thể thử bấm huyệt 19 ấy.

Đến đây, mình không có sức để nói chuyện nữa, mình cảm thấy bị kiệt sức =)).

Mình bảo anh gấu là, anh ạ, em không muốn nói chuyện thêm nữa.

Và mình bật khóc. Anh hỏi “em sao thế”, mình trả lời “em không sao”, và tiếp tục khóc. Mình bảo anh là em không ăn tối nhé, em không đói, và đi vào phòng làm việc để ngồi luyện chữ.


Là người đang học thực hành phương pháp Giao tiếp bất bạo động, mình biết có nhu cầu nào đó của mình đang chưa được đáp ứng. Anh gấu chỉ là tác nhân, không phải nguyên nhân.

Giao tiếp bất bạo động gồm 4 bước chính, bao gồm:

  • 1, Quan sát mà không phán xét
  • 2, Gọi tên được cảm xúc đang diễn ra lúc đó/cảm xúc chứ không phải sự đánh giá hay so sánh hay suy diễn nha
  • 3, Nói ra nhu cầu của mình, không ám chỉ người khác là nguyên nhân
  • 4, Đề nghị giải pháp

Tất cả quá trình này được thực hiện dựa trên sự đồng cảm cho chính mình – và cho người đang nghe mình.

Tuy nhiên, đến lúc đó, mình cũng ngạc nhiên vì cách mình phản ứng, và mình cũng chưa biết nhu cầu lúc đó là gì, mình chọn cách im lặng và đồng cảm với bản thân mình trước.

Cả tối đó, mình không nói chuyện thêm với anh gấu. Đi ngủ cũng không muốn đụng chạm ôm ấp gì luôn. Biết anh gấu không phải nguyên nhân, nhưng cách mình phản ứng là trừng phạt anh. Kiểu như mình không muốn tiếp xúc thêm với tác nhân có thể tạo thêm cảm giác nhu cầu chưa được đáp ứng của mình. =))), bo xiiiii.

Sáng hôm sau đi làm, mình vẫn không nói chuyện với anh gấu, vì cũng chưa biết nói gì, mình chưa rõ về nhu cầu của mình. Sau đó, mình đã ngồi viết lại hoàn cảnh lúc đó, tìm hiểu cảm xúc và nhu cầu của mình.

Thực thì mình đã lên mạng để tìm hiểu lại các tính từ chỉ cảm xúc cho chuẩn xác, tránh bị lạc vào các từ ngữ phán xét =)). Hơn nữa, mình đã tìm hiểu thêm về Lắng nghe chủ động (Active Listening) và nhận thấy cuộc trò chuyện hôm trước chưa có sự Lắng nghe chủ động này. Mình tham khảo thông tin Lắng nghe chủ động ở đây: https://www.verywellmind.com/what-is-active-listening-3024343

Ở đây, mình nhận ra, mình có nhu cầu được động viên khi mình học những thứ mình nghĩ là có ích và không gây hại cho ai; đồng thời có nhu cầu được ghi nhận việc mình chia sẻ thông tin – dù thông tin này khác biệt với quan điểm, giá trị sống của người đang lắng nghe.

Mặt khác, mình cũng nhận ra khi diễn ra cuộc trò chuyện đó, mình bị mệt (vì vừa đi chạy xong), anh gấu thì vừa đi công tác về. Nói chung có nhiều nguyên nhân khiến chuyện nhỏ hóa thành mâu thuẫn là vậy.

Đến tối hôm sau, hai anh em ngồi nói chuyện, mình bẩu anh là đây là một cuộc chia sẻ chứ không phải phán xét hay gì đó nha.

Hai người mặt đối mặt, không làm gì khác ngoài lắng nghe nhau, mình bảo anh là:

Hum qua, khi em chia sẻ việc em tham gia tọa đàm có TS Giang, anh hỏi lại em TS Giang là ai, lúc đó em cảm thấy bối rối, mệt mỏi và kiệt sức, vì khi đó nhu cầu được động viên em học những nội dung em muốn chưa được đáp ứng.

Về câu chuyện huyệt 19, khi đó em cũng cảm thấy bối rối và kiệt sức, vì nhu cầu được tôn trọng và công nhận những kiến thức em đưa ra chưa được đáp ứng – dù nó không đúng với giá trị sống của anh. Em không nói rằng anh cần đồng ý với quan điểm của em, em chỉ muốn được cảm thấy thông tin mình đưa ra được công nhận vì em tin vào những gì em chia sẻ. Diện chẩn là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc được không chỉ VN mà các nước Ý, Nhật… áp dụng.

Có thể em hiểu sai ý anh, khi đó ý anh không phải là khinh rẻ Diện chẩn. Các biện pháp chữa bệnh như châm cứu, đông y, với anh thì nó sẽ có kết quả lâu dài, chứ không phải dùng lúc cấp bách.

Có phải ý anh là những phương pháp chữa bệnh như châm cứu, diện chẩn không nên sử dụng trong các tình huống như hóc vì anh muốn tìm phương pháp được kiểm định và có kết quả chắc chắn hơn?

Đúng rồi, vì anh không tin nó có hiệu quả ngắn hạn, anh không có thông tin để tin là nó sẽ có tác dụng.

Em hiểu ý anh rồi. Trong thời điểm ấy, như em nói, em muốn được tôn trọng và muốn được ghi nhận thông tin.

– Nhưng anh không bảo là không tôn trọng.

– Vâng, câu chuyện ở đây, em muốn nói là anh có thể ghi nhận thông tin em truyền tải, dù nó không đúng với giá trị sống của anh, mình chấp nhận sự khác biệt ấy.

– Anh vẫn không nghĩ là anh sai. Anh nghĩ là em đang làm quá vấn đề lên. Khi em bảo không muốn nói chuyện nữa, anh kệ vì anh cũng có việc của mình.

– Vâng, em rất đồng tình là anh không sai, là nhu cầu của em chưa được đáp ứng vào thời điểm đó. Em rất đồng tình là anh không sai và em biết là như vậy. Còn việc anh cảm thấy không có vấn đề gì không có nghĩa là em cũng cảm thấy thế, anh đừng áp đặt cảm xúc của anh vào em.

– Anh không áp đặt. Và anh cũng không thấy mình sai gì cả.

– Em đồng tình là anh không sai, em rất đồng tình về điều này, em nhắc lại, là nhu cầu của em chưa được đáp ứng và em muốn làm rõ nó.

Chúng mình kết thúc câu chuyện ở đây nhé. Và hai anh em vui vẻ, buổi tối hôm ấy có những cuộc nói chuyện chủ động sâu sắc khác, ngắn thôi, nhưng mình cảm thấy bản thân được lắng nghe, và đó là một cuộc nói chuyện chất lượng. Mình cảm thấy hài lòng.


Bài học rút ra:

  • Giao tiếp trắc ẩn với nhau là một việc đòi hỏi nỗ lực, và cần nỗ lực hơn đối với người nhà.
  • Việc đồng cảm với người khác khi họ có xung đột với mình khó vãi chưởng ra. Khi nghe những câu nói khiến mình cảm thấy bị công kích, mình chỉ muốn xù lông lên, không muốn nghe thêm nữa, đóng cửa, chấm hết.
  • Nhìn lại câu chuyện trên, mình nhận thấy mình chưa đồng cảm với anh gấu vào lúc đó, mà chỉ muốn bảo vệ quan điểm của mình. Nếu mình diễn đạt lại để hiểu nhu cầu của anh gấu, câu chuyện có lẽ đã được giải quyết vào lúc đó.
  • Với lại, không hy sinh nhu cầu của mình nhé. Lựa chọn nói ra, và tìm kiếm giải pháp để đáp ứng được nhu cầu của mình và của người nhé. Có phương pháp trao đổi để người nghe không cảm thấy bị phán xét hay đánh giá mà, như thế thì họ cũng sẽ sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của mình thôi. Là mình, thì mình cũng sẵn sàng mà, nếu người giao tiếp với mình theo cách đó.
  • Ngoài ra, đừng tranh luận khi cơ thể mệt mỏi. Khi mệt và không đủ tỉnh táo, mình khó kiểm soát cảm xúc lắm, và dẫn đến là khóc uất ức mà không biết thực sự nhu cầu nào của mình đang không được đáp ứng.

Tất nhiên mình đang trong quá trình học thực hành giao tiếp trắc ẩn, vẫn còn cần thực hành nhiều để có thể kiểm soát tốt ngôn ngữ và cách thức mình giao tiếp, nên sai sót thì chấp nhận được thôi, mình đồng cảm với bản thân về điều này.

Hành trình học giao tiếp trắc ẩn này còn dài hơi, nhưng vì nhận ra được điểm tốt, thực sự rất tốt của phương pháp này, mình lựa chọn tiếp tục luyện tập.

Cần nhiều nỗ lực và kiên trì, nhưng không phải vì thế mà từ bỏ, khi mình biết đây là điều đúng đắn, há.

Và mỗi khi có vấn đề hay mâu thuẫn hay gì đó thì đó đều là những cơ hội để mình hiểu rõ hơn chính mình. 😀

Đôi chữ về thư pháp

Viết bằng bút thư pháp Hero nè, đầu bút bằng xốp hay gì đó chứ không phải bằng lông, cũng được ha

Thư pháp đến với tui một cách tình cờ lắm. Kiểu một ngày đẹp giời nọ, bản thân muốn thử viết chữ kiểu thư pháp, thế là đặt giấy đặt bút đặt mực trên Shopee, ship hỏa tốc, thế là bén duyên.

Tui vốn là người thích chữ đẹp, đã và đang rèn chữ đẹp, nên nghĩ đi nghĩ lại, đến với thư pháp cũng là lẽ tự nhiên. Và nhờ thư pháp, tui có thêm một con đường thú vị để tìm hiểu sâu về nội tâm của mình.
Đối với bạn, sống để làm gì? Với tui, sống – bao hàm tất cả các hành động, suy nghĩ, đọc viết, gặp gỡ…là để hiểu hơn về bản thân. Đi ra ngoài để đào sâu vào bên trong, để hiểu tui là ai, ở đây để làm gì nè, ý nghĩa cuộc đời mình là gì.
Trên hành trình hiểu mình đó, nhiều lần, rất nhiều lần, tui hoảng loạn.
Vì chưa hiểu mình cần gì muốn gì, tui chẳng có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, chẳng biết mình rồi sẽ đi đâu, về đâu. Nhìn xa nhìn gần, thấy mọi người – trong đó có Gấu tui, đang thẳng tiến tới mục tiêu của họ, lòng tui đâm ra so sánh ghen tị, rồi lại tự ti thêm. Tui cứ đi vào vòng xoáy đi xuống.

Chắc sắp làm được thày đồ 🤣


Chẳng biết tình cờ hay hữu ý, tui bén duyên với thư pháp trong lúc tui đang lâm vào một đợt khủng hoảng như thế. (Một năm 12 tháng tháng nào tui cũng có những ngày cảm thấy tệ hại, chẳng nhẽ cứ đổ mãi cho chu kỳ trăng tròn =))).
Bạn biết không, viết thư pháp   có cái hay là chữ có thể thể hiện tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của người viết. Ít nhất thì người viết có thể cảm được điều này.
Ví dụ nhé, tui rất thích chữ An, đợt rồi tui viết hàng tá chữ An, an nhiên, an lành, an lạc, an trú… Viết chữ an rất nhiều, nhưng lòng tui không an nên chữ an nhìn chẳng an mấy. Hay lắm. Bạn nhìn vào một chữ, bạn cảm và biết, không cần lý do. Nhưng bạn biết. Rõ ràng bạn biết. Có lẽ là trực giác.
Hay viết chữ Tĩnh, nhưng lòng không tĩnh, tâm động, có chút hấp tấp, nhìn chữ Tĩnh sẽ không cảm thấy tĩnh.
Hay viết chữ Tâm, nếu không để tâm, không thành tâm, chữ tâm méo xẹo nhìn thương tâm lắm. =))

Một bài thơ tui thích


Tui khám phá bản thân qua cách viết thư pháp như vậy đó. Cảm xúc gì trồi lên bề mặt một cái là thể hiện ngay trong con chữ đang viết luôn.
Nên viết thư pháp như một cách thiền vậy. Mà thiền là gì? Thiền là tập trung vào giây phút hiện tại, vào việc làm hiện tại. Nên mỗi khi viết thư pháp, tui dường như có thể để lại mọi suy nghĩ ở đằng sau, thích thú quá chừng.
Có người anh tui quen bảo là học đi rồi dạy con anh, tui cười cười, trời, em viết chơi thôi chứ học hành gì đâu mà dạy dỗ ai. Mà mới bén có một tháng, tui thì hay cả thèm chóng chán, chẳng biết sẽ còn yêu thích đến bao giờ. =)). Cái tính đáng ghét ghê. Nhưng đang có duyên thì cứ tập thôi, khám phá thêm nhiều thứ hay ho của bản thân bằng chữ viết, thi vị lắm à nha.

Nhớ những chuyến xe khách Bắc Nam

Em nhớ những chuyến về nhà bằng xe khách đường dài
22 tiếng, có lần 26 tiếng
Nằm tầng 1, tầng hai, hay đôi khi giữa đường luồng người qua lại
Những chuyến xe khách Bắc – Nam
Vẫn là một đứa sợ say xe dù đi nhiều rất quen
Đi xe ghế cứng vẫn nôn nao không dứt
Đi giường nằm, ngủ li bì thì không sao, nhưng mệt
Rồi sẽ khỏe thôi…
Em nhớ những đêm nằm trên xe và ngoài trời thì mưa rơi
Di ngón tay vẽ bừa lên cửa kính
Ô cửa lạnh, chữ trong veo bỗng rõ hơn qua làn hơi nước
Chẳng biết là do khóc hay mưa
Những chuyến đi – về nối Hà Nội và ngôi nhà xưa
Nối thành phố em đang yêu và sống
Nối cao nguyên xanh đầy gió và thơ mộng
Nối cả thêm quá khứ tới tương lai
24 giờ một đời người có thể chẻ làm hai
Một thoáng đã qua và một thì sắp tới
Nối tiếp nhau, lèn vào nhau cũ – mới
Đôi khi em tự hỏi
Em chờ đợi gì trên 24 tiếng một chuyến xe?
Hai năm rồi không đặt vé xe khách để về quê
24 tiếng vật vờ giờ chuyển thành 2 tiếng bay, nửa ngày thì về tới
Đi mấy bay thì nhanh và tiện
(Thực thì tiếc tiền lắm, nhưng cũng phải đổi cách đi thôi)
Đi máy bay rồi bỗng hơi nhớ những lần vật vờ ngủ trên xe hơi hôi
Mùi xe khách ngàn vạn lần em vẫn không chịu nổi =))
Nhưng nhớ lại, vẫn thấy cảm ơn quãng đời cùng nhau sớm tối
Trên xe khách dọc ngang…

Cảm ơn người vì đã bao dung…

Gửi anh,

Viết những dòng này trong một ngày Giáng sinh cô đơn, không có nắng và người thì đi vắng. Cũng ổn thôi bởi đúng là em cần dành thời gian ở một mình để ngẫm nghĩ về những gì vừa qua. Về những gì em đã làm. Về khoảng tối trong em. Về lựa chọn tiếp theo. Về chúng ta. Về tương lai.

Anh đã hỏi em rằng tại sao phải làm mọi chuyên rối mù hết lên thế, anh thích mọi thứ đơn giản, và đang luôn giải quyết mọi thứ theo cách đơn giản.

Biết trả lời cho anh thế nào nhỉ, nhưng có lẽ là, anh ạ, có lẽ em cần một sự xuống đáy như thế, thể hiện một con người xấu xí đến cùng cực như thế, phô bày hết mảng tối trong em như thế cho anh thấy, để anh tổn thương, rồi được anh chấp nhận, thì rồi em mới có thể hoàn toàn chấp nhận ở bên cạnh anh đến cuối đời được. Em xin lỗi, vì đã chọn cách làm cực đoan như vậy.

Nhưng anh ạ, vì như vậy, em nhận ra khoảng thời gian vừa qua em đã tệ với anh đến mức nào. Em đã không những bạo hành thể chất, em còn bạo hành anh về mặt tinh thần, một cách bạo hành “lạnh”. Nếu không cực đoan đến mức này, liệu chúng mình có thực sự nói thật cho nhau biết về cảm giác của mình với đối phương không? Tính của anh, hẳn là khó. Hẳn anh sẽ tiếp tục im lặng. Tổn thương hơn. Và em thì vẫn không biết mình tệ với anh đến mức nào. Và anh thì thương yêu em ra sao.

Sau mọi chuyện, em tự hỏi, tại sao anh lại có thể bao dung em như thế nhỉ? Khi em thể hiện “at my worst”, thì anh tiếp tục “easy on me”. Tự dưng tên hai bài hát này lại nhảy lên trong đầu em khi em nghĩ về mấy ngày qua. Em bỗng nhận ra, thực sự em may mắn như thế nào khi có anh. Một người sau khi thấy bản chất của em tồi tệ đến mức đó vẫn có thể bỏ qua, tha thứ, tiếp tục lựa chọn ở bên cạnh. Chẳng biết tích phúc mấy đời mới được gặp anh vào kiếp này nữa, em có phúc mà không biết hưởng, suýt nữa thì đánh mất anh rồi.

Những ngày này, những phần “sần sùi” trong em nổi dậy, những mảng tối em muốn giấu đi đều đã không giấu được nữa, đều phơi bày trước một ai đó. Cần đối mặt thôi. Đó là cách duy nhất để vượt qua, em biết. Chẳng dễ dàng gì. Nhưng phải đối mặt, chấp nhận, chuyển hóa, yêu thương thôi. Em đã chạy trốn rất lâu rồi. Đây là lúc thực sự dừng lại, để nhìn lại. Không trốn tránh nữa, can đảm thôi. Tuy, em vẫn sợ lắm. Sợ thì vẫn cần đối diện thôi. Không thể như thế này mãi. Em biết điều đó mà.

Thực sự, bản thân thật may mắn, may mắn biết chừng nào khi có anh trong đời.

Em xin lỗi, hãy tha thứ cho em. Cảm ơn anh, em yêu anh.

Em xin lỗi, hãy tha thứ cho em. Cảm ơn anh, em yêu anh.

Em xin lỗi, hãy tha thứ cho em. Cảm ơn anh, em yêu anh.

[Cánh diều]

[trong kí ức tuổi thơ]

Trong ký ức tuổi thơ, diều gắn liền với khoảng thời gian vui vẻ nhất của tôi. Tôi không biết làm diều, cũng không biết thả diều, nhưng các anh nhà hàng xóm thì rất rành việc này. Trẻ con xóm nghèo lấy đâu ra tiền mua diều làm sẵn, nên muốn thả diều thì đều tự làm lấy.

Để làm diều, nói dễ cũng dễ, nói khó cũng khó. Đầu tiên cần 2 thanh tre cật làm khung diều, buộc 2 thanh tre này với nhau, thanh ngang uốn cong cong, để làm sao các đầu tạo ra hình con thoi hoặc hình vuông. Thường tôi thấy các anh làm diều hình con thoi vì có lẽ như thế dễ thả hơn. Sau đó thì cắt ghép giấy để làm cánh diều, thường là lấy giấy báo hoặc giấy vở viết rồi, dán lại bằng cơm nguội – thứ “hồ dán” luôn sẵn trong nhà bếp. Về cơ bản, diều được làm như thế. Để diều dễ thả hơn, hai bên thân diều, các ông ý thường buộc thêm cỏ dại, mỗi khi thả, những thân cỏ chúc ngược đầu xuống lửng lơ giữa trời trong. Có lần có anh còn “xịn” tới mức làm diều sáo. Tức là buộc thêm cây sáo vào thân diều, mỗi lần gió nổi thì sáo cất tiếng nhạc của thiên nhiên, nghe vui lắm.

Hồi ý không có dây cước nên nhiều lần thả diều, các anh ấy dùng dây chỉ. Ừ thì dây chỉ mỏng manh nên mỗi lần thả có khi dùng đến 3,4 cuộn chỉ một lúc.  Mỗi lần xem các anh thả diều, lòng tôi luôn reo lên rộn ràng thích thú.

Thả diều còn có một “thú” khác là đi lụm diều khi dây đứt. Vì không gian thả diều không phải không gian trống, phía dưới con diều phấp phới là bạt ngàn cà phê Đak Lak xanh, nên mỗi lần diều “bỏ nhà ra đi”, mấy anh em không biết đi qua bao nhiêu vườn rẫy nhà người, lần theo dấu vết dây chỉ để đi kiếm diều về. Có lần kiếm được, có lần không, không phải diều của mình nên lòng cũng có chút tiếc nuối.

Đến năm tôi học lớp 6, gia đình hàng xóm này chuyển về quê, cánh diều từ đó chỉ còn lửng lơ trong nỗi hoài niệm một thời vui vẻ. Xóm tôi neo người, dần dà nhà này nhà kia chuyển đi; có nhà thì con cái lớn lên đi làm xa; có người thì không thoát được sinh lão bệnh tử, con đường ngày xưa rộn tiếng reo cười mỗi chiều đó giờ yên ắng, chỉ còn tiếng gió rầm rì.

[cánh diều của Qúi]

Quí là em zai thua tôi 10 tuổi. Năm tôi học lớp 4-đã-ở-lại thì em được sinh ra. Hồi em học mẫu giáo hay lớp 1 gì đó, bố mua cho em một con diều hình công hình phượng, chiều chiều hai bố con hay đi ra bàu cạn cách nhà tầm 500m để thả. Qúi là con út, bố hơn 40 tuổi rồi mới có em, thành ra thương lắm. Mà nói thế cũng không đúng, đứa con nào bố chẳng thương.

Nông thôn chân chất, ít chỗ chơi bời, hồi em nó còn bé, tầm 2,3,4 tuổi, cứ mỗi chiều tôi lại chở em đi chơi long rong, ghé nhà này một chút, thăm nhà kia một chút. Chỉ là ghé vào nhìn ngắm mọi người, nói vài ba câu vu vơ, rồi chở em về trên chiếc xe đạp cà tàng.

Có lần không đi chơi, bố chế chiếc xe đẩy tập đi màu hồng của em thành xe kéo, cho em ngồi trên, mấy chị kéo chạy, chị còn nhớ tiếng em cười khanh khách trong veo như tiếng chuông. Giờ thì Wi ngày nào còn ẵm còn bồng đã lên lớp 12 rồi, thời gian trôi nhanh, để mỗi lần nhớ về những kỷ niệm ngày cũ, lòng ngổn ngang những buồn vui, tiếc nuối quá chừng.

[diều trên bản]

Ba năm đổ lại đây, năm nào tháng Ba tôi cũng cùng đoàn anh em quen nhau qua việc học Vovinam đi leo núi. Tui leo được Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San và Tả Liên Sơn rồi. Thường thì đoàn sẽ đi xe khách đến trung tâm Sapa, rồi thuê xe máy để lên địa điểm leo núi. Đường đi khó, lên xuống gập ghềnh, ngồi xe mà cảm tưởng mông sắp rớt khỏi xe đến nơi.

Nhớ một lần, hình như là năm ngoái 2020, khi đi ngang qua bản gì đó không biết, thấy 3 em nhỏ đang đứng trên mỏm đất cao tầm 5-7m, tay huơ huơ nhành cây, đầu nhành cây là một chiếc túi bóng, khuôn mặt các em in nụ cười trong veo của núi rừng. Tui cảm tưởng như các em đang thả diều. Ừ, có lẽ cũng là một dạng thả diều. Tui nhanh tay chụp lại vài bức ảnh hòng nắm bắt, lưu giữ được nét trong trẻo ấy qua điện thoại. Khi đó chợt thấy, hóa ra niềm vui không tùy thuộc vào vật chất, mà là trạng thái tinh thần của con người. Có người cầm cả tảng vàng, cũng có vui nổi đâu.

[diều ở đảo]

Làm việc ở hãng bay, nên tôi may mắn có cơ hội đi công tác ở Côn Đảo vài lần, may mắn ngắm được vẻ đẹp hoang sơ, yên bình mà không kém phần diễm lệ ở đảo. Thích Côn Đảo một phần vì cảnh, phần nữa vì tình. Riêng phần tình, ở đảo, là nợ khó trả.

Nhớ lần gần nhất ghé đảo, tháng 3/2021 nhỉ, tôi chọn cách khám phá đảo bằng việc đi bộ ngược từ trung tâm đảo lên sân bay. Đâu đó 12km. Mọi người cứ bảo tôi bị khùng =))). Nhưng thực sự, đi bộ với tôi mới là cách khám phá tốt nhất. Mình đi du lịch, đi trải nghiệm mà, tôi không khoái kiểu du lịch cưỡi ngựa xem hoa. Mà nhờ đi bộ, tôi mới có thể thấy được, chụp được cảnh mấy em nhỏ thả diều ở đảo chứ. Trong bao la trời biển, hình bóng 3 đứa nhỏ xíu cùng một cánh diều chơi đùa cùng nhau thực sự, thực sự, thực sự rất đẹp và an. Với tôi, Côn Đảo dường như trở nên an hơn thông qua hình ảnh dễ chịu đó. Thực tình, lại muốn đi đảo rồi. Mong dịch nhanh nhanh ổn, để còn ra đảo trả lễ, trả nợ nào. Còn nhiều nợ nần với đảo lắm.

[“cánh diều” ở phố]

Viết ra thì hơi thô kệch, cơ mà cảm hứng để viết về diều này xuất phát từ việc nhìn thấy nhà hàng xóm phơi túi nilon ở tầng thượng, gió xô dọc ngang khiến túi bay lất phất. Đây chẳng phải diều. Mà chẳng hiểu sao lại gợi nhớ về diều nhiều đến vậy. Hay vì lòng tôi là cánh diều từng được bay bổng, nhưng đã ở nhà và đóng bụi quá lâu, nên mong được buộc dây và thả trong một trời nhiều gió?

Nhìn lên khoảng trời trong trên cao, nghĩ ở Hà Nội bao lâu rồi chưa thấy cánh diều nào? Hay bao nhiêu cánh diều không được bay trong gió, nằm một góc xó, lãng quên.