[1] Chánh niệm là gì?
Khi cuộc sống ngày càng vội vã, xô bồ, con người ngày càng căng thẳng và mệt mỏi, thực hành chánh niệm là một liều thuốc tốt để cân bằng thân – tâm. Chánh niệm là chú tâm vào giây phút hiện tại, là biết rõ điều gì đang xảy ra lúc này, ở đây. Khi thực tập chánh niệm, mình tập trung hoàn toàn vào đối tượng ở hiện tại, không phán xét. Sự chú tâm này sẽ nuôi dưỡng ý thức rộng lớn, chấp nhận thực tại, từ đó vun đắp nền móng của tình yêu thương và sự hiểu biết từ bên trong. Chúng mình sẽ trở nên hạnh phúc, bình an một cách thật vững chãi.
Có thể thực tập chánh niệm với tất cả các hoạt động mà chúng mình làm như ăn, nói, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc… Ở đây, mình cùng trao đổi về chánh niệm trong ăn uống nhé.

[2] You are what you eat (and how you eat)
Phương Tây có một câu mà mình rất thích “You are what you eat” – “Bạn là những gì bạn ăn”. Câu nói này được lan truyền mạnh ở những năm 1960s, khi phong trào ăn uống thực dưỡng – ăn các thực phẩm thô phát triển mạnh ở Mỹ. Hiện tại, câu nói này dường như có thể được hiểu theo nghĩa tinh tế hơn, khi việc ăn uống không dừng lại ở tác động vật lý, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến tâm trí, tinh thần.
Chúng mình đều biết thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể. Nếu một chiếc xe cần nhiên liệu là xăng dầu, thì cơ thể cần đầu vào là thực phẩm. Để xe có thể sử dụng lâu dài, bền bỉ, không hỏng hóc, nhiên liệu cần không có tạp chất, ngoài ra mình cũng cần bảo dưỡng, duy tu thường xuyên. Con người cũng vậy, để có thể sống một cách khỏe mạnh, hạnh phúc, chúng mình cần quan tâm đến chất lượng nhiên liệu đầu vào – là thực phẩm, cũng như cách chúng mình ăn thực phẩm.
Chắc hẳn ai cũng đã từng đi ăn buffet một vài lần với bạn bè, khi đi bụng đói, khi về căng tròn những thịt, cùng cảm giác mệt mỏi, uể oải rồi nhỉ?
Trước kia, mỗi khi đi ăn như thế, mình thấy vui vì được ăn nhiều món ngon. Nhưng sau mỗi bữa thịt, mình đều cần uống men tiêu hóa vì cơ thể ì ạch mệt mỏi. Trước đây mình thấy khá bình thường, nhưng bây giờ, sau một bữa ăn như thế, mình tự hỏi bản thân, mình đang làm gì với cơ thể của mình thế này?
Thịt là thực phẩm siêu khó tiêu. Tất nhiên không thể gạt đi rằng thịt có những dưỡng chất cần thiết cho con người, nhưng thịt cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh tật – trong đó có ung thư, điều đã được khoa học ghi nhận.
Mà cách chúng mình ăn phản ánh trực tiếp cách chúng mình đang sống. Mối quan hệ của chúng mình, bao gồm cả cơ thể và tâm hồn với thức ăn phản ánh sự tương tác của chúng mình với các mối quan hệ trong xã hội, cách thức mình làm việc, cách mình cảm nhận về bản thân.

Cách mình ăn phản ánh cách mình tương tác với cuộc sống
Khi ăn uống không ý thức, bản thân không có cảm xúc và sự kết nối với thực phẩm – thứ rồi sẽ trở thành một phần cơ thể mình chính là con đường khiến mình bị chia rẽ với chính cơ thể mình. Mà khi bị chia rẽ, khi không có kết nối với thân thể sẽ dẫn đến sự mất kết nối với tâm hồn, về lâu về dài dễ xuất hiện bệnh tật vật lý lẫn tinh thần. 90% bệnh tật của con người là cho thói quen, mà cách ăn uống chính là một phần quan trọng trong cách sống của mình.
Khi có ý thức về ăn uống, tức là thực tập ăn uống chánh niệm, mình đưa sự tôn trọng và tình yêu thương vào thức ăn, đây là một cách để tôn trọng và yêu thương chính cơ thể mình. Vì bạn biết đấy, xét về góc độ vật lý, cơ thể người vẫn đang được thay mới mỗi giây. Mỗi một tích tắc, hàng ngàn tế bào chết đi và tương đương chừng đó tế bào được sinh ra. Con người lấy nhiên liệu ở đâu để tạo thành tế bào? Từ thực phẩm chứ đâu nữa!
[3] Làm sao để nhận thức thực phẩm?
Vậy làm sao để nhận thức, có ý thức hơn trong khi ăn uống nhỉ? Cách thức bao quát là đưa bản thân trở về với hiện tại, tập trung vào hoạt động chế biến thực phẩm, ăn uống bằng 5 giác quan với sự tôn trọng và lòng biết ơn.
Trong quyển sách Thông điệp của nước của Giáo sư người Nhật Masaru Emoto, mình nhớ một câu: “nước không cần được lọc sạch, nước cần sự tôn trọng.” Thức ăn cũng vậy, thức ăn cũng cần được tôn trọng. Nghĩ đi nghĩ lại thì có điều gì trong tự nhiên không đáng được tôn trọng đâu, ha?
Để thực hành ăn chánh niệm, mình có thể thực tập bằng các cách như (1) ăn từng chút một có ý thức, (2) nấu ăn thường xuyên hơn, (3) thực hành thiền định.

(a1), Ăn có ý thức
Khi ăn từng chút một, mình học cách tập trung toàn bộ vào món ăn bằng cả 5 giác quan. Khi nhai, nhai ít nhất 30 lần để cảm nhận hương vị của miếng ăn, tập trung nhau và nuốt.
Mũi mình đang ngửi thấy mùi gì? Mắt mình đang nhìn thấy màu gì, có khói bốc lên không, có những gì trước mặt? Khi nhai, mình đang nghe thấy tiếng gì? Thực phẩm này có lành mạnh với cơ thể mình không? Mình đang ăn với cảm giác thế nào, vui vẻ hay khó chịu? Thực phẩm này sẽ đi vào cơ thể mình như thế nào?
(a2), Nấu ăn thường xuyên hơn
Chúng mình cũng có thể nấu ăn thường xuyên hơn. Cảm nhận cảm xúc của bản thân trong quá trình chế biến. Mình đang cảm thấy hạnh phúc hay khó chịu khi nấu ăn? Bữa ăn này có ý nghĩa với mình như thế nào?
Khi chú tâm vào quá trình nấu, mang tâm thế mong muốn tạo ra những món ăn ngon cho mình và cho người thương, món ăn chắc chắn trở nên ngon hơn nhiều lắm đó. Vì bạn biết không, sự tiêu hóa bắt đầu ngay từ trong suy nghĩ đó.
(a3) Thực hành thiền định
Hoạt động tập trung vào hơi thở, vào hiện tại của thiền đã được chứng minh rằng có nhiều hiệu quả tích cực với tâm trí và cơ thể. Khi thiền, hay đơn giản chỉ là vài ba hơi thở sâu, mình đưa mình về thực tại, nhận thức rõ những gì đang xảy ra. Điều này có nghĩa là mình sẽ nhận thức được thói quen ăn uống, nhận thức được đâu là thực phẩm mình nạp vào và cách mình đang thưởng thức thế nào. Đây chính là ăn uống chánh niệm rồi đó.
Thiền cũng chính là cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Mà bạn biết đấy, phản hồi của cơ thể với stress sẽ giúp ích hoặc có hại với cơ thể. Hẳn bạn đã từng trải qua cảm giác bản thân đang căng thẳng và muốn ăn thật nhiều đồ ngọt để giải tỏa chưa? Thiền có thể giúp chúng mình hạn chế những hoạt động làm hại cơ thể như thế này đấy.

[4] Bí quyết ăn trong chánh niệm
Nếu bạn muốn học cách ăn uống chánh niệm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể lưu lại một vài bí quyết dưới đây:
(b1), Xem xét mình đang đói như thế nào
Nhiều trường hợp mình nghĩ là mình đói, nhưng thực ra đó là chỉ báo của buồn chán, căng thẳng. Để hạn chế ăn không đúng lúc, mình có thể đặt cho bản thân câu hỏi: “Tui đang đói thiệc, đang chán hay đang stress vậy?” để đưa sự chú ý vào bản thân, từ đó sẽ đưa ra được giải pháp tốt cho cơ thể nha.
(b2), Ăn chậm, nhai kỹ: bạn ạ, dạ dày không có răng, mà thức ăn muốn chuyển hóa thành chất dinh dưỡng thì dạ dày sẽ cần nghiền chúng thành dạng lỏng như nước. Nên ăn chậm, nhai kỹ không chỉ là một cách thực hành chánh niệm trong ăn uống, mà còn là cách bạn yêu thương dạ dày của mình đấy. Ngoài ra cơ thể thường mất 20 – 25 phút để biết bản thân đã no chưa, nên ăn chậm sẽ giúp mình ăn ít hơn, giảm cân nhanh hơn.
(b3), Thưởng thức hương vị
Bạn có nhớ bữa ăn gần nhất mình ăn gì, thức ăn có vị gì, mùi gì, ra sao thế nào không? Nếu không chú tâm, thường thì mình sẽ chẳng nhớ các chi tiết này. Để học cách thưởng thức hương vị, mình có thể: dành ra vài phút để nghĩ về thực phẩm đã tạo thành món ăn, biết ơn đồ ăn, khám phá có ý thức hương vị thức ăn.
Mà bạn biết đấy, qúa trình chiêm nghiệm thông qua ăn uống tỉnh thức có thể thay đổi cấu trúc của não bộ, giúp não dẻo dai và kháng bệnh tốt hơn đó.
(b4) Ngồi ăn trong yên lặng
Để học cách tập trung ăn uống, mình nên loại bỏ “nhiễu” gây ảnh hưởng đến quá trình này. Khi ăn, mình nên ngồi xuống bàn ăn đàng hoàng, tập trung hoàn toàn vào thức ăn, ăn chậm nhai kỹ, đồng thời thưởng thức hương vị, mình cá là bạn sẽ có một trải nghiệm ăn uống thực sự thú vị đấy.
Chúc bạn có một hành trình ăn uống tỉnh thức thật vui và thật an nhé ^^