[Cánh diều]

[trong kí ức tuổi thơ]

Trong ký ức tuổi thơ, diều gắn liền với khoảng thời gian vui vẻ nhất của tôi. Tôi không biết làm diều, cũng không biết thả diều, nhưng các anh nhà hàng xóm thì rất rành việc này. Trẻ con xóm nghèo lấy đâu ra tiền mua diều làm sẵn, nên muốn thả diều thì đều tự làm lấy.

Để làm diều, nói dễ cũng dễ, nói khó cũng khó. Đầu tiên cần 2 thanh tre cật làm khung diều, buộc 2 thanh tre này với nhau, thanh ngang uốn cong cong, để làm sao các đầu tạo ra hình con thoi hoặc hình vuông. Thường tôi thấy các anh làm diều hình con thoi vì có lẽ như thế dễ thả hơn. Sau đó thì cắt ghép giấy để làm cánh diều, thường là lấy giấy báo hoặc giấy vở viết rồi, dán lại bằng cơm nguội – thứ “hồ dán” luôn sẵn trong nhà bếp. Về cơ bản, diều được làm như thế. Để diều dễ thả hơn, hai bên thân diều, các ông ý thường buộc thêm cỏ dại, mỗi khi thả, những thân cỏ chúc ngược đầu xuống lửng lơ giữa trời trong. Có lần có anh còn “xịn” tới mức làm diều sáo. Tức là buộc thêm cây sáo vào thân diều, mỗi lần gió nổi thì sáo cất tiếng nhạc của thiên nhiên, nghe vui lắm.

Hồi ý không có dây cước nên nhiều lần thả diều, các anh ấy dùng dây chỉ. Ừ thì dây chỉ mỏng manh nên mỗi lần thả có khi dùng đến 3,4 cuộn chỉ một lúc.  Mỗi lần xem các anh thả diều, lòng tôi luôn reo lên rộn ràng thích thú.

Thả diều còn có một “thú” khác là đi lụm diều khi dây đứt. Vì không gian thả diều không phải không gian trống, phía dưới con diều phấp phới là bạt ngàn cà phê Đak Lak xanh, nên mỗi lần diều “bỏ nhà ra đi”, mấy anh em không biết đi qua bao nhiêu vườn rẫy nhà người, lần theo dấu vết dây chỉ để đi kiếm diều về. Có lần kiếm được, có lần không, không phải diều của mình nên lòng cũng có chút tiếc nuối.

Đến năm tôi học lớp 6, gia đình hàng xóm này chuyển về quê, cánh diều từ đó chỉ còn lửng lơ trong nỗi hoài niệm một thời vui vẻ. Xóm tôi neo người, dần dà nhà này nhà kia chuyển đi; có nhà thì con cái lớn lên đi làm xa; có người thì không thoát được sinh lão bệnh tử, con đường ngày xưa rộn tiếng reo cười mỗi chiều đó giờ yên ắng, chỉ còn tiếng gió rầm rì.

[cánh diều của Qúi]

Quí là em zai thua tôi 10 tuổi. Năm tôi học lớp 4-đã-ở-lại thì em được sinh ra. Hồi em học mẫu giáo hay lớp 1 gì đó, bố mua cho em một con diều hình công hình phượng, chiều chiều hai bố con hay đi ra bàu cạn cách nhà tầm 500m để thả. Qúi là con út, bố hơn 40 tuổi rồi mới có em, thành ra thương lắm. Mà nói thế cũng không đúng, đứa con nào bố chẳng thương.

Nông thôn chân chất, ít chỗ chơi bời, hồi em nó còn bé, tầm 2,3,4 tuổi, cứ mỗi chiều tôi lại chở em đi chơi long rong, ghé nhà này một chút, thăm nhà kia một chút. Chỉ là ghé vào nhìn ngắm mọi người, nói vài ba câu vu vơ, rồi chở em về trên chiếc xe đạp cà tàng.

Có lần không đi chơi, bố chế chiếc xe đẩy tập đi màu hồng của em thành xe kéo, cho em ngồi trên, mấy chị kéo chạy, chị còn nhớ tiếng em cười khanh khách trong veo như tiếng chuông. Giờ thì Wi ngày nào còn ẵm còn bồng đã lên lớp 12 rồi, thời gian trôi nhanh, để mỗi lần nhớ về những kỷ niệm ngày cũ, lòng ngổn ngang những buồn vui, tiếc nuối quá chừng.

[diều trên bản]

Ba năm đổ lại đây, năm nào tháng Ba tôi cũng cùng đoàn anh em quen nhau qua việc học Vovinam đi leo núi. Tui leo được Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San và Tả Liên Sơn rồi. Thường thì đoàn sẽ đi xe khách đến trung tâm Sapa, rồi thuê xe máy để lên địa điểm leo núi. Đường đi khó, lên xuống gập ghềnh, ngồi xe mà cảm tưởng mông sắp rớt khỏi xe đến nơi.

Nhớ một lần, hình như là năm ngoái 2020, khi đi ngang qua bản gì đó không biết, thấy 3 em nhỏ đang đứng trên mỏm đất cao tầm 5-7m, tay huơ huơ nhành cây, đầu nhành cây là một chiếc túi bóng, khuôn mặt các em in nụ cười trong veo của núi rừng. Tui cảm tưởng như các em đang thả diều. Ừ, có lẽ cũng là một dạng thả diều. Tui nhanh tay chụp lại vài bức ảnh hòng nắm bắt, lưu giữ được nét trong trẻo ấy qua điện thoại. Khi đó chợt thấy, hóa ra niềm vui không tùy thuộc vào vật chất, mà là trạng thái tinh thần của con người. Có người cầm cả tảng vàng, cũng có vui nổi đâu.

[diều ở đảo]

Làm việc ở hãng bay, nên tôi may mắn có cơ hội đi công tác ở Côn Đảo vài lần, may mắn ngắm được vẻ đẹp hoang sơ, yên bình mà không kém phần diễm lệ ở đảo. Thích Côn Đảo một phần vì cảnh, phần nữa vì tình. Riêng phần tình, ở đảo, là nợ khó trả.

Nhớ lần gần nhất ghé đảo, tháng 3/2021 nhỉ, tôi chọn cách khám phá đảo bằng việc đi bộ ngược từ trung tâm đảo lên sân bay. Đâu đó 12km. Mọi người cứ bảo tôi bị khùng =))). Nhưng thực sự, đi bộ với tôi mới là cách khám phá tốt nhất. Mình đi du lịch, đi trải nghiệm mà, tôi không khoái kiểu du lịch cưỡi ngựa xem hoa. Mà nhờ đi bộ, tôi mới có thể thấy được, chụp được cảnh mấy em nhỏ thả diều ở đảo chứ. Trong bao la trời biển, hình bóng 3 đứa nhỏ xíu cùng một cánh diều chơi đùa cùng nhau thực sự, thực sự, thực sự rất đẹp và an. Với tôi, Côn Đảo dường như trở nên an hơn thông qua hình ảnh dễ chịu đó. Thực tình, lại muốn đi đảo rồi. Mong dịch nhanh nhanh ổn, để còn ra đảo trả lễ, trả nợ nào. Còn nhiều nợ nần với đảo lắm.

[“cánh diều” ở phố]

Viết ra thì hơi thô kệch, cơ mà cảm hứng để viết về diều này xuất phát từ việc nhìn thấy nhà hàng xóm phơi túi nilon ở tầng thượng, gió xô dọc ngang khiến túi bay lất phất. Đây chẳng phải diều. Mà chẳng hiểu sao lại gợi nhớ về diều nhiều đến vậy. Hay vì lòng tôi là cánh diều từng được bay bổng, nhưng đã ở nhà và đóng bụi quá lâu, nên mong được buộc dây và thả trong một trời nhiều gió?

Nhìn lên khoảng trời trong trên cao, nghĩ ở Hà Nội bao lâu rồi chưa thấy cánh diều nào? Hay bao nhiêu cánh diều không được bay trong gió, nằm một góc xó, lãng quên.

Advertisement

“Pavlovian” và mạng xã hội

Hãy tưởng tượng bạn đang trong giờ làm việc, đang cần hoàn thành một việc khá gấp thì tiếng chuông messenger vang lên: “ping” khá nhỏ nhưng đủ để bạn nghe thấy.

Lúc này bạn sẽ làm gì?

Nếu bạn giống tui – người vồ lấy điện thoại ngay lập tức để xem ai nhắn gì mình, mặc kệ công việc đang cần gấp, “chúc mừng” bạn, “chúc mừng” tui, chúng ta thực sự đã tìm được kẻ đồng điệu (tui khá chắc là chúng mình có kha khá đồng minh trên trái đất này đấy), “chúc mừng” chúng ta gia nhập hội Pavlovian reflex =))).

Pavlovian, bạn nghe có quen không? Chưa thấy quen hả, nếu bỏ đuôi “ian” đi, Pavlov, bạn thấy quen chưa? Chính là nhà khoa học người Nga nổi tiếng với thí nghiệm về phản xạ có điều kiện được thực hiện trên chú chó sống tại phòng thí nghiệm đấy.

So sánh một cách không buồn cười lắm, thực sự, không buồn cười đâu, rất là nghiêm túc đấy nhé, chúng mình hiện tại chả khác mọe gì chú chó trong thí nghiệm và hàng loạt tác nhân như app mạng xã hội, mua sắm…. như là Pavlov đang “giật dây” tạo cho ta những phản xạ có điều kiện ngay lập tức với những động thái nhỏ nhất liên quan.

Ví dụ như một thông báo mới trên Facebook: ai đó mời bạn thích một trang khỉ mọe gì đó, trang này trang kia thay tên đổi họ, nhóm mà bạn tham gia có ai vừa đăng bán cái gì đó… Đây không phải thông báo liên quan trực tiếp đến bạn, nhưng icon hiện số 20 noti khiến ta không thể không vào kiểm tra xem có gì “hot”, sau cùng nhận ra thứ ta vừa kiểm ra chỉ là “rác”.

Nhưng tại sao ta không thể ngừng làm điều này?

Khi bất kỳ một loại tín hiệu nào đó, có thể là tiếng chuông, tiếng còi, ánh sáng….,chỉ cần nó gắn liền với sự xuất hiện của một điều gì đó một thời gian liên tục thì chắc chắn chúng cũng khiến sinh vật tự động phản ứng với tín hiệu y chang mlo như điều gì đó xuất hiện vậy.

Xét về độ “thuần hóa”, hẳn ta cũng được xếp vào dạng cao khi mạng xã hội (trớ trêu thay đây là thứ mà con người tạo ra) lại đang điều khiển lại con người. Còn gì dễ dàng hơn, thỏa mãn hơn việc kiểm tra mạng xã hội hằng ngày?

Dopamine – chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm xúc hạnh phúc, thỏa mãn trong não được tiết ra vào những lúc này, khiến ta nghiện. Trong khi tập thể dục hùng hục 20 phút mới tiết ra dopamine, nay chỉ cần 2 giây lên mạng xã hội là cơ thể đã tiết ra hormone thần thánh này rồi.

Xét về bản chất sinh học, ta nghiện cảm giác thỏa mãn mà dopamine tạo ra, dù chỉ là trong chốc lát.

Dopamine trong trường hợp này giống như thuốc phiện, lạm dụng đến một lúc nào đó, bạn bị “lờn” và buộc phải tăng liều để có cảm giác thỏa mãn như cũ. Đến lúc này, hành động sử dụng mạng xã hội để cơ thể tiết ra dopamine bao nhiêu cũng không đủ, từ cảm giác thỏa mãn, ta chuyển dần sang cảm giác đối ngược: sự không thỏa mãn, lo lắng, căng thẳng.

Từ thỏa mãn đến trầm cảm: cách nhau trong gang tấc

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã cảnh báo chúng ta về các vấn đề liên quan đến mạng xã hội từ lâu. Có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa mạng xã hội và trầm cảm. Trong một số nghiên cứu, người dùng thanh thiếu niên dành nhiều thời gian trên Instagram, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác có tỷ lệ trầm cảm cao hơn đáng kể (từ 13% đến 66%) so với những người dành ít thời gian cho mạng xã hội.

Một nghiên cứu khác vào năm 2018 đối với thanh niên ở Mỹ (độ tuổi 19-32) cho thấy mối tương quan giữa thời gian dành cho mạng xã hội và sự cô lập xã hội (PSI). Các tác giả nhận ra rằng những người cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hơn.

Ở những người này tồn tại một nỗi sợ được gọi nôm na là “sợ bỏ lỡ”(FOMO). Tiến sỹ Jerry Bubrick nhà tâm lý học lâm sàng nhận xét rằng FOMO thực sự là nỗi sợ không được kết nối với thế giới xã hội, vì thế con người cố tim kiếm cảm giác được kết nối và nó hiện hữu ở mạng xã hội. Nếu sử dụng mạng xã hội càng nhiều, chúng ta càng ít suy nghĩ về thực tại.

Nhận ra – bước khởi đầu

Tui chợt nhận ra mình là một Pavlovian chính hiệu sau khi bản thân tải app Stay Focus để đo đếm bản thân dành bao nhiêu thời gian lên mạng xã hội và tần suất như thế nào. Như hôm qua, ngày 7/11, tui đã dành khoảng 4 giờ đồng hồ để lên các loại mạng xã hội nói chung, mở điện thoại tầm 40 lần để lên đọc noti Facebook @@.

Sáng qua tui có đăng một tấm ảnh xinh, và sau khi đăng ảnh xong, trong người tui luôn có thôi thúc mở Facebook để đếm còm và các lượt tương tác. Tui như chú chó Pavlov sục mõm vào đĩa thức ăn dù mới chỉ nghe tiếng chuông báo. Tui lúc này như là nô lệ của mạng xã hội, nô lệ của cảm giác thỏa mãn tức thì. @@

Và sự thê nô này không chỉ mang đến cho bản thân nỗi sợ FOMO, lo lắng, sự tập trung giảm sút, hiệu suất công việc thấp mà còn kéo theo sự tự trọng đi xuống, khi bản thân bất lực với việc kiểm soát chính mình. Tự chán ghét chính mình là điều tệ nhất mà một người có thể làm cho người đó.

Chú chó Pavlov trong tôi đã được huấn luyện quá lâu, thói quen bám rễ quá sâu. Tui cần dạy dỗ lại chú chó của mình.

Bắt đầu hành trình thay đổi

Để thay đổi thói quen, chỉ có một cách, chính là thay thế thói quen cũ bằng thói quen mới. Một trong những nỗ lực đầu tiên để thay đổi của tui chính là nhận thức được vấn đề.

Để nhận thức vấn đề một cách rõ ràng hơn, tui đã tải app Stay Focused để đo lường thời gian tui lên mạng. Tui cũng đọc các tài liệu về vấn đề này để tìm ra hướng đi cho bản thân. Tui khá biết ơn khi đọc được bài “Thải độc điện tử” của Healthcoach Nam Phương, tui sẽ gắn link bài phía dưới cho những ai có hứng thú nhé, chị ấy có những chỉ dẫn khá tường tận về lộ trình thanh lọc điện tử, trong đó có vài cách như:

(1): “Lấy độc trị độc” – sử dụng chính dụng cụ điện tử để thanh lọc, dùng app tập trung như Forest, tải extension Newfees Eradicator để kiểm soát newfeed các thể loại mạng xã hội, xóa app mạng xã hội trên điện thoại, không cho phép “nổ” noti. Hoặc khi nói chuyện với ai đó thì nói chuyện như thế nào đó để đảm bảo vấn đề được hiểu, được giải quyết một cách triệt để.

(2), Đặt ra một giờ cố định trong ngày không dùng mạng xã hội. Chị ấy gợi ý là off 1 hoàn toàn 1 giờ ngay khi ngủ dậy, nếu có vấn đề về giấc ngủ thì off thêm 1 giờ nữa trước khi đi ngủ. Bạn biết ánh sáng xanh của điện thoại gây ức chế hormone melatonine – chất dẫn truyền thần kinh giúp chúng mình ngủ ngon mà.

(3) Off hoàn toàn một ngày trong tuần, dành ngày này để đọc sách, thiền, giao lưu cộng đồng, dọn dẹp nhà cửa.

Với tui điều này là khó nhất. Làm sao có thể off hoàn toàn một ngày, một ngày không dùng mạng xã hội được chứ? Chú chó Pavlov của tui lên tiếng. Nhưng mà phải dạy dỗ lại chú chó của tôi thôi, nếu tôi dạy được em ấy online 7 ngày/tuần thì giờ tui cũng có thể giúp em ý học cách chỉ online 6 ngày/tuần, đúng không nào?

(4) Trở về thiên nhiên ít nhất 5 ngày

Không có gì giúp con người chữa lành thần kỳ như tự nhiên. Mà cũng phải thôi, chúng mình là một phần của tự nhiên mà. Mà tự nhiên thì không có mạng xã hội, app mua sắm. Tự nhiên cũng không dùng thiết bị điện tử để kết nối, để giao tiếp, nhưng vẫn có sự kết nối sâu sắc và mật thiết. Chỉ có con người chúng mình rời xa tự nhiên, quên mất mình là một bộ phận của tự nhiên, tự cho mình là kẻ thống trị. Mà càng rời xa tự nhiên bao nhiêu, ta lại càng lạc lối bấy nhiêu.

Để rồi bản thân như chú chó của Pavlov, sục mõm vào bất kỳ tiếng “ping” nào nổ ra hòng kết nối thêm với thế giới, nhưng thực ra là khóa chặt mình hơn vào sự cô đơn của chính mình.

P/S: Đây là link bài của chị Nam Phương nhé cả nhà:

https://www.coachnamphuong.com/post/th%E1%BA%A3i-%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%87n-t%E1%BB%AD

[Thương cơ thể mình] – Tập thể dục đã “cứu rỗi” cuộc đời mình như thế nào

[Tự sự của một con lười vận động]

Mình từng là một con lười.

Về cơ bản, mình thích nằm chây ì trên giường hơn là dậy và làm gì đó, kể cả đi tè, thực sự thì giờ vẫn vậy =))). Sự lười biếng này mang đến cho mình một thân hình tương đối phì nhiêu (tầm 60kg, chiều cao mét 6), mặt đầy mụn =)), thói quen ăn uống vô độ, tự ti, không kiên trì, ngại giao tiếp và blah những dấu trừ khác. Các thói quen này gắn liền với nhau và từng kéo mình xuống một quãng thời gian dài. Từ khi nào nhỉ, có lẽ từ năm lớp 10, cho đến tận những năm đi làm đầu đời.

Mình không nhớ rõ điểm bắt đầu là ở đâu, nhưng mình nhớ rằng bản thân đã chán ngấy cảnh vừa béo vừa xấu vừa tự tti nên đã lọ mọ tập tại gia theo Hana Giang Anh và Chloe Ting, với những bài workout tăng dần từ 10 phút lên 45 phút. Lúc này khoảng đâu đó tầm 2 năm về trước.

Mình duy trì hoạt động này vài tháng, cho đến một ngày bạn mình rủ mình đi chạy. Hồi đó anh đang làm việc ở một công ty có phong trào chạy phát triển khá mạnh. Mình vốn là người bảo thủ, nên khi anh bảo mình thử chạy đi, mình đã từ chối. Mình không thích bước chân vào một cái gì đó mới. Tập theo Hana đang rất ổn, sao phải thay đổi? Nhưng rồi cuối cùng thì anh cũng dụ được thành công và dạy mình tập chạy những ngày đầu tiên.

Mình nhớ lần đầu chạy ở Công viên Câu Giấy, tầm tháng 3/2020, mình chạy đâu đó được 800m là thở hộc mặt =)). Khoảng thời gian chạy này đâu đó được 2 tuần thì giãn cách, đến 17/3 (nếu mình nhớ không nhầm) thì công ty mình cho nhân sự làm từ xa, mình quay trở lại tập với Hana, sự nghiệp chạy chọt tưởng đứt ở đấy. Cho đến giữa tháng 11/2020, khi đi làm ở văn phòng được tầm 3 tháng và quá chán cảnh về vào giờ tắc đường nên mình quyết định đi chạy trở lại.

Văn phòng cách công viên tầm 500m đi bộ, mình tính là 5 rưỡi đi chạy, tầm 7 giờ về là đường thoáng rồi. Với mục tiêu là tận hưởng quãng đường đi làm về không tắc đường, mình duy trì việc chạy này đến tháng 5/2021, cho đến khi dịch tiếp tục bùng và công ty lại tiếp tục cho làm từ xa, và ngừng cho đến nay. Trong những khoảng nghỉ chạy, mình đã thử tập tại gia các dạng bài như tập cơ, dance cardio, tập với dây kháng lực và yoga.

[Tại sao bạn lại cần tập thể dục?]

Nếu ví cơ thể như một cỗ máy, mà máy móc không bảo trì, nâng cấp mà chỉ có sử dụng dưới áp lực cao công việc, chất kích thích => nhanh chóng thoái hóa, sức đề kháng yếu dần. Thể chất yếu, tâm trí không minh mẫn => hiệu suất học tập, làm việc kém hiệu quả.

[Tại sao dân công sở là bọn lười tập luyện số 1?]

Một nghiên cứu quốc tế đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh), Việt Nam bị xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới, khi chỉ hơn 15% người tập thể dục trên 30 phút mỗi ngày.

Nghiên cứu từ Viện Dinh Dưỡng, trung bình người Việt đi bộ 3.600 bước/ngày; giới văn phòng chỉ khoảng 600 bước/ngày, trong khi khuyến nghị của WHO là 10.000 bước, cho thấy sự thiếu cân bằng trầm trọng giữa các hoạt động hằng ngày: công việc và những cuộc vui lấn lướt các hoạt động chăm sóc, phát triển thể chất.

Nguồn: VnExpress

Trời, nghĩ coi, dân công sở đi có 600 bước/ngày à! Thế này thì cơ thể chịu sao nổi!

Nguyên nhân

Ít động lực: công việc quá tải, mệt mỏi khiến chúng ta tin rằng mình không duy trì được việc luyện tập thường xuyên => chưa tập đã nản.

Ít thời gian: bận rộn, căng thẳng khiến nhiều người mang tâm lý sợ vận đông, chỉ muốn nằm dài thư giãn hoặc nhậu nhẹt. Một số người còn bận việc gia đình và con cái nên họ thường đưa ra các lý do này để tránh vận động.

Những người chịu nhiều áp lực công việc bị mệt mỏi và stress là người dễ bỏ tập thể dục nhất. Nhưng bạn biết không, chỉ có vận động mới giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, tạo điều kiện cho cơ thể tiết ra endorphin chống lại những phản ứng dẫn đến stress, giúp tinh thần sảng khoái, ngủ ngon hơn thường lệ… và sẽ giảm được mệt mỏi.

[Lợi ích của việc luyện tập]

-Giảm căng thẳng-

Tập thể dục thực tế mang đến cho cơ thể vô vàn lợi ích thiết thực, chẳng hạn như: giảm căng thẳng, giảm lo lắng, nâng cao lòng tự trọng.

Khi tập thể dục, cơ thể tiết ra hormone endorphin – là chất hóa học có khả năng giúp giảm đau. Endorphin cũng kích hoạt các cảm giác tích cực trong cơ thể, tương tự morphin. Nên cảm giác sau khi chạy hoặc tập luyện được mô tả là “hưng phấn”, đi kèm cái nhìn tích cực và tràn đầy năng lượng. Hoạt động thể chất thường xuyên cũng có thể làm tăng mức độ dopamine và serotonin. Do đó đây là một lựa chọn tuyệt vời để tăng cường hormone hạnh phúc.

Nguồn: Tamypu

-Cải thiện giấc ngủ-

Tập thể dục cũng là một cách tuyệt vời để cải thiện giấc ngủ. Theo Charlene Gamaldo, bác sĩ và là giám đốc y tế của Trung tâm Johns Hopkins về Giấc ngủ tại Howard County General (Mỹ), tập các bài thể dục tăng cường hô hấp và nhịp tim vừa phải làm tăng lượng giấc ngủ “sóng chậm”.

Nó cũng giúp kiểm soát cân nặng, hạn chế các bệnh liên quan tới béo phì, cải thiện tình trạng chức năng của não, trí nhớ.

Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên không những làm tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường mà còn có thể phòng ngừa nhiều loại ung thư.

-Kết quả sau 2 năm tập thể dục mà mình cảm nhận được là-

Một là cơ thể cân đối hơn. Mình không giảm cân nhiều, từ 60kg xuống 56kg thôi, nhưng mà trông gọn gàng hơn trông thấy. Trước mình chỉ mặc được đồ size L thôi, giờ đã mặc được đồ size M rồi =)).

Hai là khỏe mạnh hơn. Từ khi tập luyện, mình ít ốm vặt, mà nếu gió độc có lỡ ghé thăm thì cơ thể cũng rất nhanh bình phục.

Ba là tự tin hơn: thể dục thể thao tiết ra các dẫn chất thần kinh như: endorphin – giảm đau tự nhiên, dopamine – gắn với sự tưởng tưởng, hưng phấn khi gặt hái được thành quả khiến mình cảm thấy tự tin hơn nhiều. Trước đây mình sợ giao thiệp với thế giới lắm, sợ thể hiện bản thân, nhưng giờ thì đỡ hơn rồi.

Bốn là nếu có khủng khoảng, căng thẳng thì bản thân nhanh chóng vực dậy hơn, đơn giản bằng việc dành thời gian để tập thể dục.

Thể dục mang lại cho cuộc sống một vòng tròn lợi ích gồm “sinh học – xã hội – tâm lý”.  Nhìn lại 2 năm vừa rồi, thấy biết ơn bản thân vì đã lựa chọn duy trì việc tập luyện. Ngoài lý do ngoại hình được cải thiện, mạnh khỏe và tràn đầy sức sống hơn, với mình, tập luyện còn mở ra một cánh cửa mới để mình khám phá chính mình.