[Tó tập tành] Khi Tó không đập Thành mà tập thực hành giao tiếp không bạo lực🥴️

Tó và gấu vừa có một cuộc mâu thuẫn.

Câu chuyện ở đây là thế này.

Thời gian gần đây mình follow và tìm hiểu về giao tiếp trắc ẩn, và cuối tuần trước vừa đăng ký tham gia một vài hoạt động trong chuỗi sự kiện Ươm kết nối giữa lòng mâu thuẫn, trong đó có Tọa đàm có TS. Đặng Hoàng Giang tham gia, cũng như tham gia thực hành phương pháp vòng tròn giao tiếp – phương pháp mà mình đang có hứng thú và muốn tìm hiểu sâu thêm.

Mình rất háo hức để tham gia chuỗi hoạt động này, vì cảm thấy kiểu, “ôi, ánh sáng của đời mình đây rồi”, bởi dạo gần đây lòng cứ suy nghĩ mãi về việc giao tiếp bạo lực khiến con người rời xa nhau thế nào, đóng kết nối ra sao. Những vụ chồng c.h.a.t tay vợ vì vợ ngoại tình này, trẻ em chọn cái c.h.e.t vì áp lực này, hay những câu chuyện mâu thuẫn trong gia đình vì mình dùng ngôn ngữ gây hấn, đánh mất đi sự đồng cảm khiến mình muốn kiếm tìm giải pháp để có thể giao tiếp kết nối hơn, và cảm thấy như là đang tìm được đường rồi ý. Rất là hào hứng, rất là thích thú.

Cuối tuần rồi anh gấu đi khảo sát, CN về, mình thực sự muốn chia sẻ câu chuyện này với anh. Cho nên sau khi ổng về, mình đi chạy một lúc, hai người nấu cơm, mình có nói về câu chuyện này.

Mình bẩu ổng, đại loại là:

– Anh ơi, em vừa đăng ký Tọa đàm có nội dung về giao tiếp trắc ẩn, có TS Đặng Hoàng Giang tham gia.

– Tiến sĩ Giang là ai hả em?

– Ah, uh thì, bác ấy là nhà hoạt động xã hội, cũng là tác giả viết sách, anh biết mấy quyển như “Thiện, ác, smartphone” không, sách của bác ấy đấy.

– Anh không biết.

– Nếu là người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, xã hội học thì em nghĩ là sẽ biết anh ạ.

– Em nói thế là không đúng nhé, anh có quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, chỉ là không quan tâm đến phần em nói, anh thích xây trường thôi.

– Em không bảo anh là anh không quan tâm đến lĩnh vực giáo dục…

– Em có nhé, em có nói..

– À vâng, có thể là em đã nói…

– Bác ấy cũng là người khởi xướng đường dây nóng Ngày mai ấy, anh biết không nhỉ, đường dây hỗ trợ những người bị trầm cảm này, gặp khó khăn này, vì với nhiều người khi khó khăn, họ chỉ cần ai đó lắng nghe họ thôi ấy.

– Những người tư vấn có được đào tạo không em. Đợt anh nghe trên radio giao thông, người dẫn nói như đấm vào mòm ấy, nghe chối lắm, nghe chỉ khiến trầm trọng thêm.

– À vâng, các tình nguyện viên đều được đào tạo anh ạ.

– À, thế thì được.


Đến câu chuyện tiếp theo, mình đọc ở trên mạng xã hội, có một người mình follow chia sẻ câu chuyện có một chị bác sĩ không cứu được con mình bị hóc hạt trân châu. Chị ấy đã sơ cứu hóc dị vật nhưng hạt trân châu có độ bám dính, phương pháp này không thành công. Khi đưa con đến bệnh viện thì con không còn sự sống. Mình có kéo xuống đọc còm men, có mấy người còm bảo là nếu chị ý biết thêm về huyệt 19 Diện chẩn thì có thể đã cứu sống được. Bấm giữ huyệt này vài phút, sẽ có tác dụng đẩy dị vật ra ngoài.

Là người có biết và có thực hành (rất là ít =)))) về Diện chẩn, mình có lên xem thêm video của bác sĩ Vũ Văn Hội về huyệt 19 này, là huyệt nằm phía trên cùng rãnh nhân trung, và khá tin vào thông tin mình học/xem được. Mình cũng chia sẻ thêm với anh gấu về câu chuyện này, anh bảo lại, đại loại là:

– Anh không tin là phương pháp này sẽ có hiệu quả, nếu giữ mấy phút thì có khi đã chết người rồi. Trong bài đó có nói đến phương pháp nào khác nữa không em?

– Không anh ạ, họ chỉ chia sẻ câu chuyện thôi. Thì, ý em là, nếu phương pháp hay sử dụng không có tác dụng, mình có thể thử bấm huyệt 19 ấy.

Đến đây, mình không có sức để nói chuyện nữa, mình cảm thấy bị kiệt sức =)).

Mình bảo anh gấu là, anh ạ, em không muốn nói chuyện thêm nữa.

Và mình bật khóc. Anh hỏi “em sao thế”, mình trả lời “em không sao”, và tiếp tục khóc. Mình bảo anh là em không ăn tối nhé, em không đói, và đi vào phòng làm việc để ngồi luyện chữ.


Là người đang học thực hành phương pháp Giao tiếp bất bạo động, mình biết có nhu cầu nào đó của mình đang chưa được đáp ứng. Anh gấu chỉ là tác nhân, không phải nguyên nhân.

Giao tiếp bất bạo động gồm 4 bước chính, bao gồm:

  • 1, Quan sát mà không phán xét
  • 2, Gọi tên được cảm xúc đang diễn ra lúc đó/cảm xúc chứ không phải sự đánh giá hay so sánh hay suy diễn nha
  • 3, Nói ra nhu cầu của mình, không ám chỉ người khác là nguyên nhân
  • 4, Đề nghị giải pháp

Tất cả quá trình này được thực hiện dựa trên sự đồng cảm cho chính mình – và cho người đang nghe mình.

Tuy nhiên, đến lúc đó, mình cũng ngạc nhiên vì cách mình phản ứng, và mình cũng chưa biết nhu cầu lúc đó là gì, mình chọn cách im lặng và đồng cảm với bản thân mình trước.

Cả tối đó, mình không nói chuyện thêm với anh gấu. Đi ngủ cũng không muốn đụng chạm ôm ấp gì luôn. Biết anh gấu không phải nguyên nhân, nhưng cách mình phản ứng là trừng phạt anh. Kiểu như mình không muốn tiếp xúc thêm với tác nhân có thể tạo thêm cảm giác nhu cầu chưa được đáp ứng của mình. =))), bo xiiiii.

Sáng hôm sau đi làm, mình vẫn không nói chuyện với anh gấu, vì cũng chưa biết nói gì, mình chưa rõ về nhu cầu của mình. Sau đó, mình đã ngồi viết lại hoàn cảnh lúc đó, tìm hiểu cảm xúc và nhu cầu của mình.

Thực thì mình đã lên mạng để tìm hiểu lại các tính từ chỉ cảm xúc cho chuẩn xác, tránh bị lạc vào các từ ngữ phán xét =)). Hơn nữa, mình đã tìm hiểu thêm về Lắng nghe chủ động (Active Listening) và nhận thấy cuộc trò chuyện hôm trước chưa có sự Lắng nghe chủ động này. Mình tham khảo thông tin Lắng nghe chủ động ở đây: https://www.verywellmind.com/what-is-active-listening-3024343

Ở đây, mình nhận ra, mình có nhu cầu được động viên khi mình học những thứ mình nghĩ là có ích và không gây hại cho ai; đồng thời có nhu cầu được ghi nhận việc mình chia sẻ thông tin – dù thông tin này khác biệt với quan điểm, giá trị sống của người đang lắng nghe.

Mặt khác, mình cũng nhận ra khi diễn ra cuộc trò chuyện đó, mình bị mệt (vì vừa đi chạy xong), anh gấu thì vừa đi công tác về. Nói chung có nhiều nguyên nhân khiến chuyện nhỏ hóa thành mâu thuẫn là vậy.

Đến tối hôm sau, hai anh em ngồi nói chuyện, mình bẩu anh là đây là một cuộc chia sẻ chứ không phải phán xét hay gì đó nha.

Hai người mặt đối mặt, không làm gì khác ngoài lắng nghe nhau, mình bảo anh là:

Hum qua, khi em chia sẻ việc em tham gia tọa đàm có TS Giang, anh hỏi lại em TS Giang là ai, lúc đó em cảm thấy bối rối, mệt mỏi và kiệt sức, vì khi đó nhu cầu được động viên em học những nội dung em muốn chưa được đáp ứng.

Về câu chuyện huyệt 19, khi đó em cũng cảm thấy bối rối và kiệt sức, vì nhu cầu được tôn trọng và công nhận những kiến thức em đưa ra chưa được đáp ứng – dù nó không đúng với giá trị sống của anh. Em không nói rằng anh cần đồng ý với quan điểm của em, em chỉ muốn được cảm thấy thông tin mình đưa ra được công nhận vì em tin vào những gì em chia sẻ. Diện chẩn là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc được không chỉ VN mà các nước Ý, Nhật… áp dụng.

Có thể em hiểu sai ý anh, khi đó ý anh không phải là khinh rẻ Diện chẩn. Các biện pháp chữa bệnh như châm cứu, đông y, với anh thì nó sẽ có kết quả lâu dài, chứ không phải dùng lúc cấp bách.

Có phải ý anh là những phương pháp chữa bệnh như châm cứu, diện chẩn không nên sử dụng trong các tình huống như hóc vì anh muốn tìm phương pháp được kiểm định và có kết quả chắc chắn hơn?

Đúng rồi, vì anh không tin nó có hiệu quả ngắn hạn, anh không có thông tin để tin là nó sẽ có tác dụng.

Em hiểu ý anh rồi. Trong thời điểm ấy, như em nói, em muốn được tôn trọng và muốn được ghi nhận thông tin.

– Nhưng anh không bảo là không tôn trọng.

– Vâng, câu chuyện ở đây, em muốn nói là anh có thể ghi nhận thông tin em truyền tải, dù nó không đúng với giá trị sống của anh, mình chấp nhận sự khác biệt ấy.

– Anh vẫn không nghĩ là anh sai. Anh nghĩ là em đang làm quá vấn đề lên. Khi em bảo không muốn nói chuyện nữa, anh kệ vì anh cũng có việc của mình.

– Vâng, em rất đồng tình là anh không sai, là nhu cầu của em chưa được đáp ứng vào thời điểm đó. Em rất đồng tình là anh không sai và em biết là như vậy. Còn việc anh cảm thấy không có vấn đề gì không có nghĩa là em cũng cảm thấy thế, anh đừng áp đặt cảm xúc của anh vào em.

– Anh không áp đặt. Và anh cũng không thấy mình sai gì cả.

– Em đồng tình là anh không sai, em rất đồng tình về điều này, em nhắc lại, là nhu cầu của em chưa được đáp ứng và em muốn làm rõ nó.

Chúng mình kết thúc câu chuyện ở đây nhé. Và hai anh em vui vẻ, buổi tối hôm ấy có những cuộc nói chuyện chủ động sâu sắc khác, ngắn thôi, nhưng mình cảm thấy bản thân được lắng nghe, và đó là một cuộc nói chuyện chất lượng. Mình cảm thấy hài lòng.


Bài học rút ra:

  • Giao tiếp trắc ẩn với nhau là một việc đòi hỏi nỗ lực, và cần nỗ lực hơn đối với người nhà.
  • Việc đồng cảm với người khác khi họ có xung đột với mình khó vãi chưởng ra. Khi nghe những câu nói khiến mình cảm thấy bị công kích, mình chỉ muốn xù lông lên, không muốn nghe thêm nữa, đóng cửa, chấm hết.
  • Nhìn lại câu chuyện trên, mình nhận thấy mình chưa đồng cảm với anh gấu vào lúc đó, mà chỉ muốn bảo vệ quan điểm của mình. Nếu mình diễn đạt lại để hiểu nhu cầu của anh gấu, câu chuyện có lẽ đã được giải quyết vào lúc đó.
  • Với lại, không hy sinh nhu cầu của mình nhé. Lựa chọn nói ra, và tìm kiếm giải pháp để đáp ứng được nhu cầu của mình và của người nhé. Có phương pháp trao đổi để người nghe không cảm thấy bị phán xét hay đánh giá mà, như thế thì họ cũng sẽ sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của mình thôi. Là mình, thì mình cũng sẵn sàng mà, nếu người giao tiếp với mình theo cách đó.
  • Ngoài ra, đừng tranh luận khi cơ thể mệt mỏi. Khi mệt và không đủ tỉnh táo, mình khó kiểm soát cảm xúc lắm, và dẫn đến là khóc uất ức mà không biết thực sự nhu cầu nào của mình đang không được đáp ứng.

Tất nhiên mình đang trong quá trình học thực hành giao tiếp trắc ẩn, vẫn còn cần thực hành nhiều để có thể kiểm soát tốt ngôn ngữ và cách thức mình giao tiếp, nên sai sót thì chấp nhận được thôi, mình đồng cảm với bản thân về điều này.

Hành trình học giao tiếp trắc ẩn này còn dài hơi, nhưng vì nhận ra được điểm tốt, thực sự rất tốt của phương pháp này, mình lựa chọn tiếp tục luyện tập.

Cần nhiều nỗ lực và kiên trì, nhưng không phải vì thế mà từ bỏ, khi mình biết đây là điều đúng đắn, há.

Và mỗi khi có vấn đề hay mâu thuẫn hay gì đó thì đó đều là những cơ hội để mình hiểu rõ hơn chính mình. 😀