Hạnh phúc của một người nhạy cảm

🔅 là nhìn đâu cũng thấy cái đẹp

🌱đi xe trên đường thấy một chiếc lá thu chao, lòng cũng thả trôi bồng bềnh trong cảm xúc dịu dàng

🌱hay thấy nắng chiều rực rỡ trên những lá rau xanh mơn mởn ngoài ban công, trong tiếng chim thảng hoặc reo cười, lòng thấy yên bình lắm

🔅làm một người nhạy cảm cũng thiệt là dễ khóc

🌱xem phim hay xem video đến những cảnh cảm động; thương ai hay được ai thương, cảm nhận được những điều đó, tự dưng nước mắt cứ hong nghe lời =))))

cơ quan rung động trong người cứ ngân nga hoài à =))))

🌱nhiều người có lẽ thấy cảm xúc là phiền hà, ủa sao phải khóc cười thế, ta lại thấy cảm xúc thực sự là một món quà, vì thông qua cảm xúc, ta thấy mình được sống.

🌱làm một người nhạy cảm cũng là một món quà, thực tâm nghĩ thế, và nếu được chọn lại thì ta vẫn muốn làm một người nhạy-cảm-yêu-đời như giờ, hehe.

Advertisement

Ta thường mong chờ cảm giác tự do.

Không cần nghĩ suy, chẳng cần tính toán, để cuộc đời làm tròn nhiệm vụ truyền cảm hứng cho mình.

Như là chạy xe máy trong khung thời gian canh tư, bầu trời còn đen kịt trên một cây cầu ít bóng xe đi, gió lạnh chạm vào áo khoác kêu phần phật, ở phía xa là một cây cầu khác được vẽ bằng ánh sáng của những đốm đèn đường. Trong không gian đó, bật một danh sách nhạc kiểu “shut up, let’s dance” vẫn hay nghe, thấy cơn buồn ngủ dường như tan đi, thứ còn lại là một cảm giác tự do sảng khoái.

Đôi khi, chính ta cần làm nhiệm vụ truyền cảm hứng về sự tự do cho chính mình. Bằng những việc đã được lên kế hoạch.

Như là chọn tiếp tục chạy hay là dừng lại. Khi đó, chợt nhận ra, ta có toàn quyền tự do lựa chọn những gì ta làm.

Để rồi khi chọn con đường khó khăn hơn, khi đến đích, trong lòng dâng lên một cảm giác hạnh phúc khó nói thành lời, một chút sự tự hào về bản thân vì đã không lựa chọn dừng lại ngơi nghỉ.

Đồng thời, khi vượt qua được cảm giác muốn từ bỏ, đầu ta bỗng như trống rỗng, như là suy nghĩ tự dưng tan đi đâu hết, chỉ còn khoảng không. Và âm nhạc. Và cơn đau cơ vì đôi chân đang mỏi.

Nhận ra và buông đi. Chỉ còn chạy. Chỉ còn chạy. Chạy, khi đó, thật là tự do.

Bao nhiêu lần trong đời, ta chạm được vào cảm giác ấy nhỉ?

VIẾT.

Khi có những chuyện không muốn tỏ bày cùng ai, ta chọn viết để đối diện thực tại. Hoặc quên đi thực tại.

Một thứ viết để trải hết mọi điều mà không cần đeo mặt nạ, bởi trang giấy và cây bút dường như khi nào cũng biết cách lắng nghe sâu.

Một thứ viết để cảm thấy tâm trí trống rỗng, chỉ còn tập trung tạo đường nét từng con chữ.

Không phải ta không có ai để tâm sự cùng, chỉ là vì sợ tổn thương, sợ chia lìa, sợ hụt hẫng – mà ta chọn lựa không quá thân mật với bạn bè, hay chỉ gặp/nói chuyện thật ít lần trong năm, một motip ta đã lặp đi lặp lại đủ nhiều để trở thành thói quen.

Để nhận ra tại sao ta lại như thế này, tại sao lại hành xử kiểu này, suy nghĩ kiểu kia là một hành trình gian nan. Đi sâu khám phá bản thân cần thật nhiều can đảm. Thôi thì, cho chính mình thời gian.

Như mầm non muốn cho trái và hoa thì cũng cần trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông sang.

🌱

Nổi loạn và tự do

Đôi khi, tình yêu thương lớn nhất ai đó có thể dành trao cho ta chính là cho ta được toàn quyền lựa chọn cách sống của mình.

Người không đòi hỏi bất cứ điều gì từ ta lại là người ta có thể làm tất cả cho người đó. Người luôn mong mình sống hạnh phúc mà không cần phải đáp đền điều gì, lại là người ta có thể hy sinh mọi thứ cho họ.

Ở người đó, ta cảm nhận được tình yêu vô điều kiện. Một cái cảng tránh bão ta luôn có thể quay về dẫu có bất cứ điều gì xảy ra. Một nơi thực sự an toàn để trở về. Cũng nhờ có một “cơ sở an toàn” này, ta có thể sẵn sàng khám phá thế giới, lặn ngụp trong tốt – xấu, đúng – sai, bị tổn thương hay đau khổ, nhưng rồi ta sẽ hồi phục nhanh thôi, vì chỗ dựa tinh thần của ta đủ vững chắc để khiến ta khi nào cũng có thể tin vào sự tốt đẹp của cuộc đời, của con người.

Ta ghét sự ra lệnh. Khi nhận được sự ra lệnh, hay bất cứ điều gì ảnh hưởng đến khả năng tự do lựa chọn của ta, ta có xu hướng chống cự. Khi ta làm theo mệnh lệnh một cách bắt buộc, trong ta dâng đầy thứ không phải niềm vui mà là sự phẫn uất. Mỗi khi có thể, ta chọn chống cự một cách kịch liệt, đến mức “bướng không thể tả”. Đôi khi ta ước mình có những cách chia sẻ dịu dàng hơn để nói chuyện với nhau mà không phải là ra lệnh, là kỳ vọng, là bắt ép ta sống một cuộc đời nào khác.

Những cá nhân “nổi loạn” khi loáng thoáng nhận ra nhu cầu được tự chọn cách mình sống và không muốn chịu thêm sự áp đặt nào khác. Đứa trẻ ấy có thể khiến người buồn một thời gian ngắn, nhưng yên tâm về sau này, bởi khi đứa trẻ đã biết lắng nghe tiếng nói bên trong, biết đâu là điều khiến chúng mỉm cười, thì rồi chúng sẽ biết khiến tạo một cuộc đời hạnh phúc cho chính mình.