Hãy tưởng tượng bạn đang trong giờ làm việc, đang cần hoàn thành một việc khá gấp thì tiếng chuông messenger vang lên: “ping” khá nhỏ nhưng đủ để bạn nghe thấy.
Lúc này bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn giống tui – người vồ lấy điện thoại ngay lập tức để xem ai nhắn gì mình, mặc kệ công việc đang cần gấp, “chúc mừng” bạn, “chúc mừng” tui, chúng ta thực sự đã tìm được kẻ đồng điệu (tui khá chắc là chúng mình có kha khá đồng minh trên trái đất này đấy), “chúc mừng” chúng ta gia nhập hội Pavlovian reflex =))).
Pavlovian, bạn nghe có quen không? Chưa thấy quen hả, nếu bỏ đuôi “ian” đi, Pavlov, bạn thấy quen chưa? Chính là nhà khoa học người Nga nổi tiếng với thí nghiệm về phản xạ có điều kiện được thực hiện trên chú chó sống tại phòng thí nghiệm đấy.
So sánh một cách không buồn cười lắm, thực sự, không buồn cười đâu, rất là nghiêm túc đấy nhé, chúng mình hiện tại chả khác mọe gì chú chó trong thí nghiệm và hàng loạt tác nhân như app mạng xã hội, mua sắm…. như là Pavlov đang “giật dây” tạo cho ta những phản xạ có điều kiện ngay lập tức với những động thái nhỏ nhất liên quan.

Ví dụ như một thông báo mới trên Facebook: ai đó mời bạn thích một trang khỉ mọe gì đó, trang này trang kia thay tên đổi họ, nhóm mà bạn tham gia có ai vừa đăng bán cái gì đó… Đây không phải thông báo liên quan trực tiếp đến bạn, nhưng icon hiện số 20 noti khiến ta không thể không vào kiểm tra xem có gì “hot”, sau cùng nhận ra thứ ta vừa kiểm ra chỉ là “rác”.
Nhưng tại sao ta không thể ngừng làm điều này?
Khi bất kỳ một loại tín hiệu nào đó, có thể là tiếng chuông, tiếng còi, ánh sáng….,chỉ cần nó gắn liền với sự xuất hiện của một điều gì đó một thời gian liên tục thì chắc chắn chúng cũng khiến sinh vật tự động phản ứng với tín hiệu y chang mlo như điều gì đó xuất hiện vậy.
Xét về độ “thuần hóa”, hẳn ta cũng được xếp vào dạng cao khi mạng xã hội (trớ trêu thay đây là thứ mà con người tạo ra) lại đang điều khiển lại con người. Còn gì dễ dàng hơn, thỏa mãn hơn việc kiểm tra mạng xã hội hằng ngày?
Dopamine – chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm xúc hạnh phúc, thỏa mãn trong não được tiết ra vào những lúc này, khiến ta nghiện. Trong khi tập thể dục hùng hục 20 phút mới tiết ra dopamine, nay chỉ cần 2 giây lên mạng xã hội là cơ thể đã tiết ra hormone thần thánh này rồi.
Xét về bản chất sinh học, ta nghiện cảm giác thỏa mãn mà dopamine tạo ra, dù chỉ là trong chốc lát.
Dopamine trong trường hợp này giống như thuốc phiện, lạm dụng đến một lúc nào đó, bạn bị “lờn” và buộc phải tăng liều để có cảm giác thỏa mãn như cũ. Đến lúc này, hành động sử dụng mạng xã hội để cơ thể tiết ra dopamine bao nhiêu cũng không đủ, từ cảm giác thỏa mãn, ta chuyển dần sang cảm giác đối ngược: sự không thỏa mãn, lo lắng, căng thẳng.
Từ thỏa mãn đến trầm cảm: cách nhau trong gang tấc
Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã cảnh báo chúng ta về các vấn đề liên quan đến mạng xã hội từ lâu. Có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa mạng xã hội và trầm cảm. Trong một số nghiên cứu, người dùng thanh thiếu niên dành nhiều thời gian trên Instagram, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác có tỷ lệ trầm cảm cao hơn đáng kể (từ 13% đến 66%) so với những người dành ít thời gian cho mạng xã hội.

Một nghiên cứu khác vào năm 2018 đối với thanh niên ở Mỹ (độ tuổi 19-32) cho thấy mối tương quan giữa thời gian dành cho mạng xã hội và sự cô lập xã hội (PSI). Các tác giả nhận ra rằng những người cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hơn.
Ở những người này tồn tại một nỗi sợ được gọi nôm na là “sợ bỏ lỡ”(FOMO). Tiến sỹ Jerry Bubrick nhà tâm lý học lâm sàng nhận xét rằng FOMO thực sự là nỗi sợ không được kết nối với thế giới xã hội, vì thế con người cố tim kiếm cảm giác được kết nối và nó hiện hữu ở mạng xã hội. Nếu sử dụng mạng xã hội càng nhiều, chúng ta càng ít suy nghĩ về thực tại.
Nhận ra – bước khởi đầu
Tui chợt nhận ra mình là một Pavlovian chính hiệu sau khi bản thân tải app Stay Focus để đo đếm bản thân dành bao nhiêu thời gian lên mạng xã hội và tần suất như thế nào. Như hôm qua, ngày 7/11, tui đã dành khoảng 4 giờ đồng hồ để lên các loại mạng xã hội nói chung, mở điện thoại tầm 40 lần để lên đọc noti Facebook @@.
Sáng qua tui có đăng một tấm ảnh xinh, và sau khi đăng ảnh xong, trong người tui luôn có thôi thúc mở Facebook để đếm còm và các lượt tương tác. Tui như chú chó Pavlov sục mõm vào đĩa thức ăn dù mới chỉ nghe tiếng chuông báo. Tui lúc này như là nô lệ của mạng xã hội, nô lệ của cảm giác thỏa mãn tức thì. @@
Và sự thê nô này không chỉ mang đến cho bản thân nỗi sợ FOMO, lo lắng, sự tập trung giảm sút, hiệu suất công việc thấp mà còn kéo theo sự tự trọng đi xuống, khi bản thân bất lực với việc kiểm soát chính mình. Tự chán ghét chính mình là điều tệ nhất mà một người có thể làm cho người đó.
Chú chó Pavlov trong tôi đã được huấn luyện quá lâu, thói quen bám rễ quá sâu. Tui cần dạy dỗ lại chú chó của mình.

Bắt đầu hành trình thay đổi
Để thay đổi thói quen, chỉ có một cách, chính là thay thế thói quen cũ bằng thói quen mới. Một trong những nỗ lực đầu tiên để thay đổi của tui chính là nhận thức được vấn đề.
Để nhận thức vấn đề một cách rõ ràng hơn, tui đã tải app Stay Focused để đo lường thời gian tui lên mạng. Tui cũng đọc các tài liệu về vấn đề này để tìm ra hướng đi cho bản thân. Tui khá biết ơn khi đọc được bài “Thải độc điện tử” của Healthcoach Nam Phương, tui sẽ gắn link bài phía dưới cho những ai có hứng thú nhé, chị ấy có những chỉ dẫn khá tường tận về lộ trình thanh lọc điện tử, trong đó có vài cách như:
(1): “Lấy độc trị độc” – sử dụng chính dụng cụ điện tử để thanh lọc, dùng app tập trung như Forest, tải extension Newfees Eradicator để kiểm soát newfeed các thể loại mạng xã hội, xóa app mạng xã hội trên điện thoại, không cho phép “nổ” noti. Hoặc khi nói chuyện với ai đó thì nói chuyện như thế nào đó để đảm bảo vấn đề được hiểu, được giải quyết một cách triệt để.

(2), Đặt ra một giờ cố định trong ngày không dùng mạng xã hội. Chị ấy gợi ý là off 1 hoàn toàn 1 giờ ngay khi ngủ dậy, nếu có vấn đề về giấc ngủ thì off thêm 1 giờ nữa trước khi đi ngủ. Bạn biết ánh sáng xanh của điện thoại gây ức chế hormone melatonine – chất dẫn truyền thần kinh giúp chúng mình ngủ ngon mà.
(3) Off hoàn toàn một ngày trong tuần, dành ngày này để đọc sách, thiền, giao lưu cộng đồng, dọn dẹp nhà cửa.
Với tui điều này là khó nhất. Làm sao có thể off hoàn toàn một ngày, một ngày không dùng mạng xã hội được chứ? Chú chó Pavlov của tui lên tiếng. Nhưng mà phải dạy dỗ lại chú chó của tôi thôi, nếu tôi dạy được em ấy online 7 ngày/tuần thì giờ tui cũng có thể giúp em ý học cách chỉ online 6 ngày/tuần, đúng không nào?
(4) Trở về thiên nhiên ít nhất 5 ngày
Không có gì giúp con người chữa lành thần kỳ như tự nhiên. Mà cũng phải thôi, chúng mình là một phần của tự nhiên mà. Mà tự nhiên thì không có mạng xã hội, app mua sắm. Tự nhiên cũng không dùng thiết bị điện tử để kết nối, để giao tiếp, nhưng vẫn có sự kết nối sâu sắc và mật thiết. Chỉ có con người chúng mình rời xa tự nhiên, quên mất mình là một bộ phận của tự nhiên, tự cho mình là kẻ thống trị. Mà càng rời xa tự nhiên bao nhiêu, ta lại càng lạc lối bấy nhiêu.
Để rồi bản thân như chú chó của Pavlov, sục mõm vào bất kỳ tiếng “ping” nào nổ ra hòng kết nối thêm với thế giới, nhưng thực ra là khóa chặt mình hơn vào sự cô đơn của chính mình.
P/S: Đây là link bài của chị Nam Phương nhé cả nhà:
https://www.coachnamphuong.com/post/th%E1%BA%A3i-%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%87n-t%E1%BB%AD